Như chúng ta cũng biết Bảo tàng ảo đầu tiên về các hiện vật văn hóa bị đánh cắp của UNESCO đã được công bố xây dựng từ năm ngoái. Nhưng gần đây, sự ra đời của bảo tàng mới được tiến thêm một bước gần hơn khi bản vẽ thiết kế cụ thể được UNESCO công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông quốc tế. Vậy chi tiết ra sao? Tin tức nóng sốt trên sẽ được chúng tôi truyền tải đầy đủ ngay sau đây.
Như các thông tin được đăng tải rộng rãi, UNESCO (tên viết tắt của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc) đã hợp tác với Interpol cùng với các tổ chức nước ngoài khác phát triển bảo tàng trị giá 2,5 triệu USD. Và nguồn tiền tài trợ đầu tiên đã được chuyển về từ Ả Rập Saudi.
Theo một thông báo của UNESCO cho hay: “Bảo tàng ảo sẽ là một công cụ thay đổi cuộc chơi nhằm nâng cao nhận thức về nạn buôn bán bất hợp pháp các hiện vật văn hóa có giá trị. Đồng thời nâng tầm quan trọng của việc bảo vệ di sản văn hóa giữa các cơ quan hữu quan, các chuyên gia văn hóa và công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay”.
Được biết, bảo tàng ảo được công bố xây dựng vào tháng 9 năm 2022 và vào tuần trước UNESCO đã công bố thiết kế sơ đồ của kiến trúc sư gốc Burkina Faso, Francis Kéré, người đoạt Giải thưởng Kiến trúc Pritzker năm 2022.
Giải thích lý do cho lựa chọn trên, ông Audrey Azoulay, tổng giám đốc UNESCO nói với tờ Artnet News rằng: “Đối với dự án này, chúng tôi cần một kiến trúc sư có khả năng viết lại vở kịch truyền thống, người có thể thiết kế không gian với suy nghĩ sáng tạo, người có thể liên kết mật thiết các yếu tố vật chất với yếu tố phi vật chất”.
Dựa trên yêu cầu đó, một bảo tàng được lấy cảm hứng từ cây Baobab, một loại cây bản địa châu Phi cao chót vót với vô số công dụng chăm sóc sức khỏe và mang ý nghĩa tinh thần sâu sắc đã được ra đời.
Trong đó, bóng cây trần thân rộng và các cành cây ngắn được hợp nhất vào nhau sẽ kiến tạo nên khoảng không gian ấn tượng cho bảo tàng trưng bày hiện vật. Song song đó, các yếu tố nhà tròn mang tính biểu tượng của Bảo tàng Guggenheim do kiến trúc sư Frank Lloyd Wright thiết kế cũng sẽ được nhấn nhá bên trong.
Nhờ vậy mà du khách sẽ được khám phá một loạt phòng trưng bày ảo đặc sắc, nơi chứa các tác phẩm được tái tạo chi tiết bằng công nghệ 3D. Mỗi một hiện vật, mỗi một tác phẩm trưng bày như thế đều được cung cấp đầy đủ các tài liệu văn hóa có ý nghĩa kèm theo. Nó bao gồm cả lời chứng thực của các cộng đồng sáng tạo ra tác phẩm của riêng mình.
Ông Azoulay cho biết thêm: “Đằng sau mỗi tác phẩm hoặc mảnh vỡ bị đánh cắp là một phần lịch sử và danh tính của loài người đã bị tước đoạt bởi những người giám hộ. Nó khiến cho các nhà nghiên cứu không thể tiếp cận được và giờ đây các hiện vật ấy đang có nguy cơ bị rơi vào lãng quên”.
Tuy nhiên, đại diện UNESCO cho biết tổ chức sẽ không tiết lộ bất kỳ tác phẩm nào góp mặt trong bộ sưu tập của bảo tàng cho đến trước ngày khánh thành. Và nếu đúng như dự kiến thì bảo tàng ảo này sẽ đi vào hoạt động vào năm 2025.