top of page

Lịch sử thiết kế: Cần nghiên cứu một cách có hệ thống và đầy đủ hơn

Lịch sử thiết kế là một môn học quan trọng, là kiến thức cơ sở ngành. Lịch sử thiết kế bắt đầu từ khi loài người biết thiết kế từ 2,5 triệu năm trước, đến nay đã trải qua 6 thời đại, nhưng trong thực tế có thể thấy lịch sử thiết kế chỉ được quan tâm từ thời đại Thiết kế công nghiệp. Điều này không hợp lý vì thiết kế trước thời đại Thiết kế công nghiệp là một phần không thể thiếu và rất quan trọng của lịch sử thiết kế, là tiền đề để dẫn đến các thời đại thiết kế sau và từ đó có rất nhiều bài học được rút ra. Vì vậy, đã đến lúc cần phải có một bộ lịch sử thiết kế đầy đủ.

Thiết kế là một từ đặc biệt, đóng vai nhiều từ loại trong các ngôn ngữ và được dùng trong nhiều ngữ cảnh khác nhau. Nhưng có một điều chung nhất được mọi người đồng ý là mọi vật, mọi hiện tượng trên vũ trụ và mọi thứ do loài người sản xuất ra đều là các “thiết kế”.

Sẽ có suy nghĩ cho rằng “thiết kế” do loài người sáng tạo ra là sản phẩm riêng của loài người. Điều này có phần đúng. Nhưng thật ra loài người chỉ phát hiện ra “thiết kế” của thiên nhiên và từ đó học hỏi theo thiên nhiên, sau đó những thành tựu khoa học và những thành tựu khác về vật liệu, năng lượng… đã được ứng dụng vào các “thiết kế” của loài người. Một trong những điểm khác biệt giữa thiết kế nhân tạo và thiết kế thiên nhiên là thiết kế nhân tạo trình độ thấp hơn so với thiết kế thiên nhiên. Điểm khác biệt nữa có thể nhận ra là thiết kế thiên nhiên thì tự phát, tự có để hình thành nên thế giới đa dạng của vô cơ, hữu cơ và của cả vũ trụ huyền bí vô cùng vô tận cả về không gian và thời gian, còn thiết kế nhân tạo thì chỉ có mục đích phục vụ lợi ích của loài người.

Nói như vậy thì thiên nhiên là “sư tổ” của thiết kế, là “nhà thiết kế” đại tài. Kể từ khi thiên nhiên “thiết kế” hình thành nên hệ mặt trời, đã hàng bao nhiêu tỷ năm. Hệ mặt trời xuất hiện với khoảng cách mặt trời và trái đất hợp lý với muôn ngàn chất tự biến hóa tương tác liền có thiết kế để sự sống ra đời mất hàng tỷ năm nữa. Đỉnh cao của sự sống là thiên nhiên “thiết kế” nên con người cũng tốn hàng tỷ năm, nhưng từ đây thiên nhiên đã thiết kế nên một “đệ tử chân truyền”. Nhà thiết kế đại tài thiên nhiên đã mất không biết bao nhiêu năm để làm nên “đệ tử chân truyền” nhưng “đệ tử chân truyền” chỉ mất một khoảng thời gian nhỏ hơn rất nhiều để học hỏi và làm thay đổi bộ mặt thiết kế của “sư tổ” đã dày công hàng tỷ tỷ năm.

Thật vậy, khi loài người biết thiết kế đến nay mới chỉ khoảng 2,5 triệu năm với bằng chứng khảo cổ: một hòn đá được thiết kế thành công cụ chặt thô được cho là của một Australopithecus [1, 93]. 2,5 triệu năm một khoảng thời gian không đáng kể, chưa được một phần lẻ so với thời gian hình thành trái đất là 4,55 tỷ năm và hiện nay Australopithecus là một giống người đã tuyệt chủng, không còn tồn tại. Nhưng bộ môn thiết kế khởi đầu từ đó đã như là một “phép thần” lần lượt làm thay đổi hoàn toàn rất nhiều lần cuộc sống cũng như diện mạo, cảnh quan trái đất, nơi các loài người cư trú cũng như tập quán, cách sống, cách suy nghĩ của từng người và của cả các cộng đồng.

Điều này chứng minh là các thời đại lịch sử ra đời dựa trên sự phát triển của các thiết kế, chẳng hạn khi loài người đầu tiên mới xuất hiện, gọi chung là thời đại Nguyên Thủy. Những thiết kế đầu tiên từ các vật liệu sẵn có thực vật - gỗ và đá của đầu thời đại này đã làm nên văn minh Đá Cũ. Rồi những thiết kế khác trên chất liệu đá lần lượt được phát minh để từ đó con người tiến sang thời đại Đá Mới. Trong thời Đá Mới, việc tìm ra kim loại và thiết kế kim loại thành công cụ, dụng cụ đã làm một thời đại mới ra đời. Đó là thời đại Kim Khí hay thời Cổ Đại. Trong thời Cổ Đại, những tiến bộ thiết kế thủ công đã góp phần đưa loài người tiến sang thời Trung Đại…

Trong thời Trung Đại, thiết kế hình thành máy cơ khí của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ I chuyển xã hội loài người sang thời Cận Đại. Trong thời Cận Đại, những tiến bộ thiết kế của Cách mạng Công nghiệp lần II đưa loài người vào thời Hiện Đại. Hiện nay con người đã qua Cách mạng Công nghiệp lần III và đang tiến hành Cách mạng Công nghiệp lần IV với những thiết kế cho phép đi vào không gian vô tận, can thiệp vào quá trình sinh học và làm ra trí tuệ nhân tạo để đưa loài người ngày càng thiết kế nên những điều kỳ diệu hơn nữa.

Với những điều trên, thiết kế và những tiến bộ của nó đã tạo nên lịch sử của vũ trụ và của loài người nhưng chưa hợp lý. Lịch sử thiết kế cần phân kỳ theo sự phát triển của riêng nó từ thiết kế của tự nhiên đến thiết kế của loài người đến nay trải qua 6 thời đại mà không cần theo lịch sử chính trị vì chính thiết kế đã làm thay đổi chính trị. Trong đó, sự phát triển thiết kế của loài người phải là chủ đạo trong nghiên cứu thiết kế từ thời đại không biết thiết kế đến các thời đại biết thiết kế mà từ đó sự ra đời của những bộ môn khoa học, những phát minh, thay đổi về năng lượng, vật liệu… đã giúp ích cho thiết kế phát triển hoặc buộc thiết kế phải thay đổi.

Phần thiết kế của loài người dõi theo từng bước của loài người từ khi hoàn thiện thiết kế sinh học của mình đến khi có thể tự thiết kế nên công cụ đầu tiên, đi từ những phát minh của loài người có liên quan đến việc ra đời của bản thiết kế và giúp thiết kế phát triển như tìm ra lửa, hình thành tiếng nói, phát minh chữ viết, bút, giấy, các môn hình học, số học, các quy định đo lường… sử dụng trong bản vẽ thiết kế, đồng thời phân tích thiết kế trong sự phát triển của lịch sử phát minh, kết quả cũng như ảnh hưởng sâu sắc của nó trong xã hội đã tạo nên các thời đại lịch sử để đi đến kết luận: Lịch sử Thiết kế đi trước lịch sử của các cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) thậm chí đi trước cả lịch sử chính trị.

Trên thế giới, môn học Design history (Lịch sử thiết kế) và môn Design (Thiết kế) đại cương hay Cơ sở thiết kế xuất hiện từ lâu. Đã có nhiều tác giả viết về Lịch sử thiết kế và Thiết kế đại cương hoặc giới thiệu thiết kế với nhiều góc độ tiếp cận [2]. Một số tác giả gộp chung 2 phần nói trên trong một quyển sách lấy tên là Fundamental Design (Thiết kế đại cương) hoặc cũng vẫn với tên gọi Lịch sử Design.

Trong chương trình đào tạo hiện nay của trường Đại học Công nghệ Sài Gòn (STU), 2 môn Lịch sử thiết kế và Thiết kế đại cương hay Cơ sở thiết kế học được giảng dạy thành 2 bộ môn riêng biệt, vì vậy việc soạn giáo trình cũng cần riêng biệt và nhất quán với chương trình. Việc thực hiện 2 giáo trình Lịch sử thiết kế và Thiết kế đại cương (Cơ sở Thiết kế học) thành 2 phần riêng biệt là rất cần thiết vì 2 môn tuy có chung một đối tượng nghiên cứu nhưng góc độ là hoàn toàn khác nhau.

Lịch sử thiết kế là môn học về sự ra đời và sự phát triển của các thiết kế phát xuất từ sự phục vụ các nhu cầu thiết yếu của loài người được phân loại thành 4 loại hình cơ bản với các mốc cụ thể, gắn liền với sự phát triển của các loại hình thiết kế. Tìm hiểu Lịch sử thiết kế sẽ thấy vai trò to lớn của thiết kế đối với lịch sử loài người trong việc nâng cao chất lượng cuộc sống, dần hồi biến con người từ một thành viên nhỏ bé của tự nhiên trở thành chủ nhân của vũ trụ.

Thiết kế đại cương hay Cơ sở thiết kế học là môn học mang tính lý luận, lý thuyết về thiết kế với những khái niệm, chức năng, tiêu chí, phương pháp, loại hình, thành tố thiết kế… có nhiệm vụ giúp người học hiểu rõ thiết kế là gì và những vấn đề xoay quanh một thiết kế từ bề rộng tới bề sâu.

Đây là 2 môn học khởi đầu cho những người nhập môn học tập với mong muốn trở thành nhà thiết kế, giúp họ hiểu được những vấn đề cơ bản thuộc ngành nghề để sau này khi trở thành nhà thiết kế có thể đi đúng hướng đã chọn.

Tại Việt Nam, từ khi có trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp tại Hà Nội vào năm 1962, Lịch sử thiết kế đã được quan tâm giảng dạy, nhưng phải đợi đến năm 1994, mới có giáo trình “Khái lược lịch sử Thiết kế công nghiệp” của Lê Huy Văn sau đó hoàn chỉnh hơn là “Lịch sử Mỹ thuật công nghiệp” của cùng tác giả vào năm 2000, rồi đến tác phẩm “Lịch sử Design” của hai tác giả Lê Huy Văn – Trần Văn Bình vào năm 2005 [2], gần đây nhất là tác phẩm có tính chất lưu hành nội bộ mang tên “Design đại cương” của tác giả Trần Văn Bình năm 2018 và một tác phẩm khác nội dung tương tự nhưng có bổ sung của 3 tác giả Lê Huy Văn – Trần Văn Bình – Lê Quốc Vũ năm 2019. Cũng có giáo trình giảng dạy Lịch sử mỹ thuật công nghiệp của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội [3] hoặc công trình luận văn Thạc sĩ “Dạy học môn Lịch sử Design tại trường đại học Mỹ thuật công nghiệp Á Châu” [4] của tác giả Nguyễn Nhật Minh… Một số trong những tài liệu này, tuy còn gộp chung Lịch sử thiết kế và Thiết kế đại cương đã bước đầu giới thiệu chủ yếu về lịch sử thiết kế công nghiệp với sinh viên và những người quan tâm về lịch sử thiết kế và thiết kế đại cương.

Lịch sử thiết kế cần phải tiếp cận và nhìn nhận sự ra đời và phát triển của thiết kế như trên đã đề cập. Với cách nhìn thiết kế có lịch sử của tự nhiên tới lịch sử của loài người nên Lịch sử thiết kế sẽ nghiên cứu dưới góc độ sự phát triển của thiết kế tự nhiên cho đến nhân tạo. Từ đó có thể hiểu rõ căn nguyên, sự phát triển, sự gắn bó của thiết kế đối với lịch sử, đối với loài người và nhất là có một cái nhìn biện chứng và nhất quán trong việc đánh giá sự đóng góp của to lớn thiết kế đối với toàn bộ sự phát triển của lịch sử loài người. Bởi lẽ, từ khi đồng hành và trở thành chủ lực trong quá trình phát triển lịch sử loài người, thiết kế trở thành một bộ phận độc đáo của kinh tế, lịch sử và văn hóa nhân loại, có vai trò tiên phong trong thay đổi mọi hình thức từ cư trú, ẩm thực, đi lại… cho đến các ngóc ngách khác nhau của cuộc sống, thậm chí cả thói quen, tập quán, tư duy, lối sống, cách sống không chỉ của một người mà của cả một xã hội và của cả loài người.

Một Lịch sử thiết kế như vậy sẽ trình bày 2 phần: phần 1 bàn luận về thiết kế tự nhiên cho đến khi có loài người và phần 2 về thiết kế nhân tạo của loài người phát triển theo 6 thời đại từ lúc không biết thiết kế rồi khởi đầu thiết kế cho đến thời đại công nghệ và thông tin hiện nay. Với 2 hình thức là thủ công rồi chuyển sang công nghiệp làm bằng máy móc, 2 hình thức này thực chất chỉ khác nhau về phương tiện, còn về bản chất vẫn là một. Vì thiết kế thực chất là “tạo mẫu”, vẽ mẫu chỉ là một công đoạn nhưng lại mang tính xuyên suốt không thể tách rời và cũng không loại trừ bất cứ một ngành nghề sản xuất nào. Hơn nữa, thiết kế là để làm ra sản phẩm nên sản phẩm cũng là một dạng thiết kế hoàn chỉnh dạng 3 chiều và cũng là đối tượng của môn học. Nhận định như vậy bởi trong thời thủ công hiếm có tồn tại bản vẽ thiết kế. Vì thế, đối tượng của môn Lịch sử thiết kế bao gồm bản vẽ thiết kế và cả sản phẩm cụ thể, nếu sản phẩm đó không có hoặc không còn bản vẽ. Sản phẩm nào không có bản vẽ tức bản vẽ trong tư duy và bản thân nó là “bản mẫu” tương tự như đối tượng của bộ môn Cơ sở thiết kế học.

Nếu cần phân biệt có lẽ chỉ nên dùng “thiết kế thủ công” và “thiết kế công nghiệp”. Khái niệm “mỹ thuật ứng dụng” và khái niệm “mỹ thuật công nghiệp”, “nghệ thuật công năng” đang được sử dụng như một thuật ngữ thời thượng diễn giải thêm cái đẹp của những sản phẩm công nghiệp. Vì thật ra, trong lịch sử nhân loại, “thiết kế” xuất hiện trước mỹ thuật và ngay từ lúc đầu bản thân nó đã bao hàm tính mỹ thuật và tính nhân văn.

PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú (STU)
TS. Phạm Hữu Công (STU)
bottom of page