top of page

Điều Gì Ngăn Cản Chúng Ta Tối Ưu Hóa AI Trong Thiết Kế Thời Trang?

AI đã và đang gây ra những cuộc tranh cãi quyết liệt trong ngành thiết kế, đặc biệt là thiết kế thời trang – nơi đề cao sáng tạo cá nhân và luôn có xu hướng bài trừ sự hỗ trợ của công nghệ trong giai đoạn thiết kế.

Đây cũng chính là điều khiến cho Field Skjellerup, Nhà sáng tạo kiêm nhà điều hành nền tảng nghiên cứu thị trường Luckynumber8 nhận thức sâu sắc, tuy nhiên, nhận thức của anh ấy vẫn kiên cường. Khi được hỏi về quan điểm cá nhân về những mặt tối xung quanh chủ đề này, anh cho biết: “Nhiều người trong ngành gọi đây là 'sự sáng tạo được hỗ trợ', và khi những công cụ này trở nên dễ tiếp cận hơn, chúng ta sẽ dần xem đây là một việc bình thường, thậm chí trở thành tiêu chuẩn. Tôi cảm thấy vấn đề ở đay là mọi người chưa được trải nghiệm thử các công cụ sáng tạo AI nhưng vẫn đưa ra những phán xét phiến diện hoặc sợ hãi về khả năng mất việc làm trong lĩnh vực của mình. Đây là một mối lo ngại hợp lý, nhưng chúng ta cũng cần phải nhớ rằng bất kỳ tình trạng mất việc làm nào cũng do những người ở vị trí lãnh đạo quyết định, chứ không phải do bản thân các công cụ.”

Sự ngần ngại về vị trí của AI trong thiết kế ngày càng được phân tích rõ hơn trong các nghiên cứu gần đây, khi các chuyên gia tìm xác định tính ứng dụng thực tế của AI trong quy trình thiết kế sáng tạo. Đây là một khái niệm mà Yoon Kyung Lee, giáo sư tại Đại học Quốc gia Pusan, Hàn Quốc, đã khám phá cho nghiên cứu của mình về “Kỹ năng Tư duy và Sáng tạo”. Để thực hiện nghiên cứu này, Lee bắt đầu tạo ra các thiết kế dệt may bằng phần mềm AI và so sánh chúng với tác phẩm do sinh viên thiết kế. Qua đó, cô nhận thấy rằng thiết kế của cả hai đều tương đương nhau, tuy nhiên, vẫn có sự độc đáo và khác biệt rõ rệt trong các thiết kế do con người tạo ra, thường bắt nguồn do những trải nghiệm sống của chúng ta.

Lee cũng lưu ý rằng việc sử dụng AI thông qua các câu lệnh lặp đi lặp lại có thể cải thiện hiệu quả, đồng thời mang đến một công cụ học tập tốt cho những người chưa có đủ chuyên môn trong ngành. Do đó, giáo sư cho rằng việc hợp tác giữa con người và AI có hiệu quả trong một số trường hợp, đặc biệt là với một dự án liên kết với nhiều lĩnh vực khác nhau. Phát biểu về báo cáo của mình, Lee cho biết: “Trong tương lai, mọi người sẽ có thể trở thành nhà sáng tạo hoặc nhà thiết kế với sự trợ giúp của trí tuệ nhân tạo. Hiện tại, chỉ có những nhà thiết kế thời trang cấp tiến mới có thể thiết kế và giới thiệu trang phục . Nhưng trong tương lai, bất cứ ai cũng có thể thiết kế quần áo theo ý thích và thoải mái thể hiện sự sáng tạo của mình.”

Cá Nhân Hóa Hành Trình Khách Hàng

Theo nhận định của Lee, AI không chỉ phục vụ mục đích thiết kế quần áo. Các nhà bán lẻ ngày càng áp dụng công nghệ này vào chiến lược tiếp thị trực tuyến và thương mại điện tử của họ, tận dụng khả năng của nó để nâng cao trải nghiệm cho khách hàng, từ đó đảm bảo quy trình sản xuất bền vững. Trí tuệ nhân tạo đặc biệt phổ biến trong công cuộc phát triển thương mại điện, thường được áp dụng vào việc xây dựng trang web cho nhà bán lẻ để cung cấp các đề xuất sản phẩm chính xác hơn và thu thập dữ liệu người dùng.

Đã có sự gia tăng đột biến trong các số lượng công ty sử dụng công nghệ này nhằm mục đích cung cấp cho các nhà bán lẻ những giải pháp phát triển trải nghiệm người dùng. Một trong số đó là Perfect Corp., công ty công nghệ chuyên cung cấp trải nghiệm dùng thử AI trong mảng thương mại điện tử, cho phép khách hàng dùng thử sản phẩm thoải mái tại nhà riêng của họ. Tính năng này cho phép phân tích nhanh, sau đó có thể đưa ra các đề xuất sản phẩm tùy chỉnh thích hợp với người mua, kết hợp hiệu quả sản phẩm với nhu cầu của người tiêu dùng và thúc đẩy doanh số bán hàng.

Phát biểu với FashionUnited, Alice Chang, Giám đốc điều hành kiêm người sáng lập Perfect Corp., đã lưu ý đến lợi ích của những dịch vụ như vậy: “Các thương hiệu thời trang có thể làm hài lòng khách hàng thông qua trải nghiệm mua sắm được cá nhân hóa, đồng thời giảm tỷ lệ hoàn trả sản phẩm. Các giải pháp này cũng tạo điều kiện kinh doanh bền vững hơn, cho phép các thương hiệu đạt được mục tiêu ESG bằng cách giảm lượng chất thải và khí thải dư thừa được tạo ra từquy trình hoàn trả sản phẩm.”

Theo quan điểm của Chang, việc triển khai các công nghệ như vậy cũng rất quan trọng để đáp ứng nhu cầu của những tín đồ mua sắm ngày nay - những người đang ngày càng phụ thuộc vào tiến bộ kỹ thuật số được cá nhân hóa để đưa ra quyết định mua hàng. Chang cho biết: “Sự phát triển thần tốc của AI trong những năm gần đây cho phép các thương hiệu chuyển đổi hành trình tiêu dùng của họ, đồng thời cải thiện doanh số bán hàng, mức độ tương tác và lòng trung thành của khách hàng. Thói quen mua sắm của người tiêu dùng đang thay đổi và điều này diễn ra trên nhiều kênh hay không gian bán lẻ. Nhìn xa hơn về tương lai, AI sẽ phát triển để đóng vai trò lớn hơn trong đa dạng ngành bằng cách trao quyền cho khách hàng mua sắm theo cách tương tác và cá nhân hóa hơn.”

Bùi Thảo Nguyên (theo Asia week)
bottom of page