Chàng trai 'kể chuyện Việt Nam' bằng đèn giấy 3D
Kết hợp nghệ thuật cắt giấy kirigami của Nhật Bản, rối bóng Trung Quốc và đèn kéo quân Việt Nam, Nguyễn Duy Duy đã sáng tạo ra loại đèn 3D xuyên sáng độc đáo.
"Làm nghệ thuật cần có suy nghĩ táo bạo", chàng trai quê Thạch Thất quyết định làm đèn giấy nghệ thuật 3D khi đi tìm ý tưởng cho đề án tốt nghiệp ngành thiết kế đồ họa, bốn năm trước.
Trong đèn giấy 3D của Duy, yếu tố về cắt khắc và trạm trổ họa tiết đều ứng dụng từ nghệ thuật cắt giấy kirigami của Nhật. Các chi tiết về phối sáng và xuyên sáng hay các yếu tố về xa gần mờ nhạt đều mượn từ nghệ thuật rối bóng Trung Quốc và đèn kéo quân của Việt Nam.
"Rối bóng Trung Quốc thiên về chuyển động con rối để kể chuyện, còn đèn kéo quân Việt Nam là chuyển động theo vòng tròn. Thoạt nhìn có vẻ khác nhau nhưng nguyên lí đều sử dụng ánh sáng để làm rõ cho nhân vật", Duy giải thích.
Việc phối hợp cả ba phương pháp này giúp cho chiếc đèn giấy 3D đạt được độ tinh xảo về chi tiết, ánh sáng xuyên qua có thể giúp phân mảng và tạo độ xa gần cho khung cảnh trong đèn.
Để làm được chiếc đèn, mỗi centimet giấy bé li ti được cắt, ghép rồi lắp bên trong hộp đèn, kèm theo công tắc. Khi điện bật lên, ánh sáng làm nổi bật từng chi tiết trong hình ảnh minh họa và đi kèm theo đó là những câu chuyện riêng."Các lớp giấy cắt bao phủ lên nhau tạo thành ánh sáng dịu, mỗi lớp có một hình bóng độc đáo chứa đựng những câu chuyện có ý nghĩa sâu sắc", Duy nói.
Mỗi tác phẩm đèn giấy nghệ thuật hoàn thành, ít nhất trải qua 5 công đoạn: Tìm ý tưởng thiết kế, tách lớp - chia bản phác thảo thành nhiều lớp xa - gần, sáng - tối khác nhau, cắt khắc bản vẽ, lắp ghép và gia cố khung sản phẩm. Công đoạn cuối cùng là phối màu kiểm tra độ xuyên sáng của tác phẩm bằng đèn Led.
Theo Duy, lý thuyết là vậy nhưng khi bắt tay vào làm, phát sinh nhiều khó khăn. Thời gian đầu khi kỹ thuật chưa vững, có tác phẩm anh "đập" đi làm lại cả chục lần, mất vài tuần nhưng vẫn chưa ưng ý. Công việc chủ yếu làm về ban đêm bởi trong bóng tối mới có thể xác định được các lớp giấy hắt bóng ra sao và đạt hiệu ứng như thế nào khi được phối hợp tổng thể.
"Nhiều lúc tôi làm liên tục 12 tiếng mỗi ngày, phải cân nhắc từng chi tiết tỉ mỉ trong hơn cả ngàn chi tiết nên thị lực giảm sút". Tuy nhiên khi tác phẩm hoàn thiện, chàng trai nhận thấy công sức bỏ ra rất xứng đáng bởi được khách hàng nhiệt tình đón nhận.
Hai kỹ thuật khó nhất để tạo nên một tác phẩm đèn nghệ thuật 3D thành công theo Duy đó là kỹ năng kể chuyện và kỹ thuật xuyên sáng qua hình ảnh. "Làm thế nào để người xem hiểu được câu chuyện trong mỗi chiếc đèn. Nếu họ không hiểu, không có cảm xúc như người làm muốn truyền tải thì đó là tác phẩm thất bại", Duy nói. Ngoài ra, kỹ năng phối sáng trong mỗi chiếc đèn cũng quan trọng không kém để giúp truyền tải nội dung được rõ nét và sống động.
Việc phối ghép sai màu ánh sáng có thể cho ra những màu nhức mắt và khó chịu. Không những vậy việc phối sai tỷ lệ sẽ làm ánh sáng yếu đi hoặc quá mạnh dẫn đến các lớp giấy không đạt được bộ bóng nhất định. "Từ đó dẫn đến khung ảnh trong chiếc đèn sẽ bị giảm tính chân thực", Duy lý giải.
Hiện chàng trai sinh năm 1996 đang sử dụng giấy có định lượng cao, giúp cho tác phẩm cứng cáp, không bị cong phồng và giảm được yếu tố về độ ẩm. Duy cũng đang nghiên cứu thay thế bằng một số giấy truyền thống khác như giấy dó, giấy điệp... nhằm khẳng định tính Việt Nam trong tác phẩm.
Thời điểm 4 năm trước khi kỹ thuật làm còn sơ khai, Duy thường lấy nội dung đơn giản theo phim ảnh. Về sau khi đã làm chủ được kỹ thuật và định hình được phong cách, anh bắt đầu triển khai nhiều nội dung khác như phong cảnh Việt Nam, Phật giáo và phong thủy.
Từ khi bắt đầu sáng tạo đèn 3D đến nay, Duy đã cho ra đời nhiều bộ sưu tập khác nhau. Mỗi sản phẩm đều gồm từ 9 đến 13 lớp giấy để bảo đảm hiệu ứng chiều sâu. Trước đây, mỗi tác phẩm cần từ 1-2 tuần, thậm chí nhiều hơn để hoàn thiện, hoàn toàn cắt giấy bằng tay. Hiện nay, có máy cắt giấy lazer hỗ trợ, chàng trai này có thể hoàn thành từ 3-4 tác phẩm mỗi ngày, tùy theo độ khó. Sau 4 năm, số tác phẩm mà Duy hoàn thiện đã lên tới con số 100.
Tháng 1/2021, bộ sưu tập "Việt Nam đất nước con người" với 17 tác phẩm được giới thiệu với những người cùng sở thích. Đất nước con người Việt Nam được đặc tả qua những tà áo dài, áo tứ thân hay ngũ thân. Ngoài ra văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, múa rối nước, hát bội, nhã nhạc cung đình Huế cũng được khắc họa trên những chiếc đèn 3D đầy màu sắc. Tái hiện văn hóa Việt Nam đối với Duy là một niềm vui cũng như niềm tự hào lớn.
Có hai tác phẩm chàng trai Hà thành cảm thấy hài lòng nhất là "Thuận buồm xuôi gió" bởi có thời gian thiết kế lâu và cầu kỳ nhất. Theo Duy, tác phẩm này mất nhiều tháng để nghiên cứu cũng như vẽ lại các vân sóng của từng lớp sóng, tạo nên tính chân thực và độ cảm cho tác phẩm. Tác phẩm thứ hai là "Mùa thu Hà Nội" bởi có nội dung và độ xuyên sáng tốt nhất. "Nhìn vào tác phẩm sẽ khiến người xem có cái nhìn bao quát về mùa thu Hà Nội giữa tiết trời se lạnh, những con đường vắng bóng người cùng cây bàng đang vào mùa rụng lá", Duy miêu tả.
Chàng trai tuổi chia sẻ, dự định sắp tới là phát triển các dự án về Văn hóa các trò chơi dân gian và tái hiện lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ. Không chỉ vậy, Duy vẫn đang nghiên cứu để phát triển những loại đèn giấy 3D kỳ công hơn, có thể khiến nhân vật di chuyển như những chiếc đèn kéo quân thời thơ ấu.
Những chiếc đèn giấy 3D đang được khách hàng có nhu cầu trang trí nội thất ưa chuộng. Sắp tới chàng trai Hà thành dự tính sản xuất kích cỡ to hơn để trưng bày phòng khách và không gian thờ cúng.