Mỗi thiết kế là một câu chuyện gia đình
PNO - Mỹ An nói, mỗi công trình mà cô xây dựng, mỗi căn nhà mà cô thiết kế không chỉ đơn giản là nhà, đó là những câu chuyện về gia đình.
Tôi tới gặp Mỹ An, một nữ kiến trúc sư xinh đẹp rất đắt show với nhiều hợp đồng, nhiều công trình đẹp được lên tạp chí nước ngoài. Cứ tưởng câu chuyện sẽ khô khan, xoay quanh những bản vẽ, thiết kế, thành công, sự nghiệp. Thế mà rồi câu chuyện của chúng tôi lại quẩn quanh về những mái ấm, những gia đình, những cuộc hôn nhân cả hạnh phúc lẫn không hạnh phúc, những người phụ nữ đang chăm sóc giữ gìn gia đình hay đang cô đơn.
Bởi vì như cô nói, mỗi công trình mà cô xây dựng, mỗi căn nhà mà cô thiết kế không chỉ đơn giản là nhà, đó là những câu chuyện về gia đình.
Trong không gian gia đình, quan trọng nhất là tính kết nối
Năm 31 tuổi, sau khi có năm năm làm thuê ở bốn công ty, Mỹ An bắt tay vào xây dựng căn nhà đầu tiên cho một gia đình. Công trình đầu tiên ấy của cuộc đời nữ kiến trúc sư chỉ là một công trình nhỏ, trên một mảnh đất chiều ngang 8m, chiều dài 14m, nằm ở quận Gò Vấp và chủ đầu tư cũng cho cô một con số kinh phí không lớn.
Người ta luôn nhớ về tác phẩm đầu tiên, đứa con đầu tiên của cuộc đời mình. Nhớ, yêu thương và tự hào. Đứa con đầu tiên đó của An đã lập tức được đưa lên tạp chí nước ngoài, điều mà hầu như kiến trúc sư nào cũng mong ước. Thế nhưng bên cạnh niềm vui, tự hào ấy, chuyện kể của An về căn nhà này bao năm rồi vẫn cứ vấn vương đâu đó sự tiếc nuối.
An kể, sau vài buổi gặp gỡ, trò chuyện, cô đã biết sơ qua về gia chủ và những yêu cầu của họ đối với căn nhà tương lai: Một cặp vợ chồng còn trẻ với ba con mà con trai đầu đã 11 tuổi. Người chồng là một doanh nhân, vợ ở nhà nội trợ. Người vợ còn trẻ, nhưng sau hơn mười năm chỉ làm vợ, làm mẹ đã dần thu gọn những quan tâm, hiểu biết về thế giới bên ngoài. Mọi yêu cầu của người vợ chỉ là “một gian bếp để khi chị nấu ăn vẫn có thể nhìn thấy những đứa trẻ làm gì, học bài hay chơi game”.
Yêu cầu thứ hai, An nghe như một lời tâm sự: “Em làm sao cho căn nhà này sẽ khiến chồng chị muốn về nhà nhiều hơn. Anh ấy đi suốt à…”.
Căn nhà ra đời, xinh đẹp. An đã đặt hết tâm huyết của mình vào đó để thiết kế một gian bếp mở - nơi người mẹ vừa làm bếp vừa có thể nhìn thấy cậu con trai 11 tuổi, tuổi bắt đầu đổi tính, ương bướng và khó hiểu. Với yêu cầu thứ hai của người vợ, cô thiết kế cho người chồng một không gian làm việc rất đẹp trong nhà, một căn phòng độc lập, riêng tư để anh có thể làm việc một cách thoải mái nhất.
Vài năm sau khi An xây căn nhà đó, gia đình kia đổ vỡ. Người chồng ra đi với một phụ nữ khác - điều mà người vợ đã linh cảm được và lo lắng từ trước đó rất lâu. Giờ đây, khi kể về căn nhà đầu tiên, An luôn nói: Nếu ngày đó tôi từng trải, hiểu con người, hiểu ý nghĩa của điều tôi làm như bây giờ, tôi sẽ làm khác. Tôi sẽ tạo nên một không gian kết nối của cả gia đình - một nơi mà dù có bận rộn đến thế nào người ta cũng có thể có những giờ phút ở bên nhau, nhìn thấy nhau, lắng nghe nhau. Có thể, nó không góp phần làm thay đổi cuộc đời của họ, số phận của họ, nhưng ít nhất nó cũng sẽ tạo nên được những cảm xúc, những không gian mang tính chia sẻ, an ủi, cảm thông...
An nói cô đang thiết kế nhà cho một gia đình đã tan vỡ. Một không gian kết nối giờ đây đã quá muộn với họ. Nhưng trong căn nhà của người phụ nữ cô đơn ấy vẫn có một góc dành riêng cho người chồng giờ thành người bạn, khi anh ghé thăm. An đã có thể tư vấn cho người phụ nữ ấy những góc nhà bình an, để người phụ nữ, chủ nhân, có thể tìm thấy một điều khác hơn trong đời sống: buông bỏ, nhẹ nhàng, tha thứ, thanh thản, yêu bản thân và sống cho mình nhiều hơn.
Không làm nghề để kiếm tiền
Tất cả những câu chuyện đời, chuyện nghề của An đều gắn với hai chữ: đam mê. Ngày An tốt nghiệp phổ thông rồi chuẩn bị thi đại học, dù học rất giỏi, An chỉ mê vẽ. Ai hỏi muốn làm nghề gì, An nói làm gì liên quan đến vẽ là được. Có lúc An muốn thành cô Minh Hạnh thiết kế thời trang hay làm họa sĩ. Mẹ An bảo: Làm họa sĩ nghèo thấy mồ. Thế là có người mách nước cho An thi vào kiến trúc.
Mẹ An lúc đó đã rất thành công trong ngành kinh doanh hoa. Bà là người bỏ mối hoa chính cho nhiều khách sạn, resort lớn của Phan Thiết. Bà muốn An nối nghiệp bà, thậm chí đã mua cho An một ki-ốt riêng ở trung tâm thành phố nên khi An đậu đại học, bà giấu biến giấy báo nhập học. Chỉ khi thấy con buồn, đi lang thang miết, bà mới hỏi: Bộ muốn đi học lắm à. An gật đầu nói cô muốn được đi học. Đó là lý do vì sao cô nhập học Trường đại học Kiến trúc Hà Nội trễ đến một tháng rưỡi.
Suốt nhiều năm tháng tuổi trẻ, An không có thời gian đi chơi, tụ tập bạn bè, thậm chí cả hẹn hò, yêu đương. Dù chỉ là người đi làm thuê, cô bị bạn bè đùa là “bán mình cho công việc” đến cạn sức. Mỗi lần nhận dự án đẹp là cô rưng rưng vì xúc động, cô có thể làm ngày làm đêm, hôm nào cũng rời công ty lúc 11 giờ khuya, một cách tự nguyện, dù không được trả thêm lương hay thưởng. Năm 30 tuổi, với tấm bằng đại học và kinh nghiệm tích lũy được khi làm thuê, cô quyết định bước ra thành lập công ty riêng dù biết sẽ có nhiều khó khăn trước mắt.
Chẳng cần phải thống kê cũng có thể thấy rất ít kiến trúc sư nữ làm nghề hiện nay. Hình như cái nghề này hợp với đàn ông hơn, bởi nó là cái nghề có quá nhiều sự tổng hợp cần có trong một con người. Nó là sự kết hợp giữa kỹ thuật và mỹ thuật, giữa cảm xúc và tư duy, giữa sáng tạo độc lập cá nhân dựa trên những tiêu chuẩn chặt chẽ của những công thức trong một bản vẽ thiết kế… Thế nhưng, An bảo cô chẳng thấy có gì phân biệt giữa nam và nữ trong nghề này, ăn thua ở chỗ có tâm hơn, chịu lắng nghe khách hàng hơn và làm một căn nhà, dù lớn, dù nhỏ đều phải vì khách hàng.
Câu chuyện về căn bếp mở
Tính từ căn nhà đầu tiên đến giờ, An đã có 12 năm tuổi nghề. Hầu như tất cả công trình lớn nhỏ An thiết kế đều được đưa lên tạp chí nước ngoài. Song như đã kể, căn nhà đầu tiên An xây dựng vẫn còn ám ảnh cô, bởi đằng sau mọi căn nhà đều là những câu chuyện gia đình cô đã lắng nghe, trò chuyện, chia sẻ. Cùng với sự trưởng thành của mình trong đời sống riêng tư, An thấy như cô đã mang những trưởng thành vào công việc: cô biết lắng nghe khách hàng nhiều hơn, tư vấn cho họ nhiều điều hữu ích, hiểu được những nhu cầu của họ rồi thật tự nhiên, cô như bước vào không gian sống mơ ước của họ. Cũng chính từ đó mà câu chuyện về những căn bếp mở ra đời.
“Ngày xưa, phụ nữ thường ở nhà, nấu ăn trong một căn bếp kín và đến bữa mới dọn cơm lên cho cả nhà ăn. Ngày xưa, cái bếp là không gian riêng, kín đáo, riêng tư của phụ nữ. Thế nhưng cuộc sống hôm nay thay đổi rồi, cái bếp chính là một trong những thay đổi lớn nhất của căn nhà hiện đại. Người phụ nữ hôm nay cũng bận rộn đi làm, cũng ra ngoài kiếm tiền như đàn ông. Cho nên khi về nhà, họ chỉ có hai tiếng đồng hồ vừa nấu ăn, vừa nhìn thấy các con, trò chuyện với cả nhà, có khi là cả nhà cùng nấu ăn với nhau mỗi người một tay. Cái bếp mở ra đời như thế”.
Những câu chuyện về bếp của An hết sức thú vị, cuốn hút và tỉ mỉ. Nó là chuyện về những khoảng cách hợp lý cho chiều cao của một phụ nữ đứng bếp, khi ngày xưa kích thước bàn bếp chuẩn là 82cm, nay đã phải tăng lên 88cm, khi chiều dài của cánh tay 60cm chính là chiều ngang của căn bếp. Nó là chuyện cô phải để ý xem người nấu bếp chính thuận tay trái hay phải mà canh vị trí cho những hũ gia vị. Đó là câu chuyện tư vấn cho một người nội trợ mê làm bánh, khi hai tay đầy bột thì cánh tủ phải sử dụng bản lề tự động, để chỉ cần dùng đầu gối thúc nhẹ là tủ mở ra.
Ngoài ra còn là câu chuyện về một phụ nữ về hưu, biết rằng cuộc sống của mình sắp tới sẽ gắn liền với bếp, An đã thiết kế cho chị một ô vuông trồng cây ngay trong bếp, để bây giờ, đã vài ba năm trôi qua, chị cảm ơn An mãi: “Chị làm bếp mà có cảm giác như mình được đi du lịch”.
Vì yêu con người
Tôi chưa từng nghĩ rằng trò chuyện với một nữ kiến trúc sư có thể thú vị như thế. Chúng tôi hẹn nhau vào những buổi chiều, khi các con gái của cô sang chơi với bố - một kiến trúc sư người Pháp và người bạn gái mới của anh.
An mạnh mẽ, phóng khoáng, cởi mở. Những câu chuyện của cô cũng miên man, bất tận, từ tuổi thơ gian khó trong những căn nhà mưa dột, điều khiến cô ưu tiên đầu tiên cho thiết kế của mình bây giờ là căn nhà trước tiên phải đúng, phải vững chắc, phải an toàn, rồi mới tới đẹp hay lạ. Từ những câu chuyện riêng tư với những đổ vỡ hạnh phúc mà cô nhận ra những bài học cho nghề: “Vợ chồng cần phải thỉnh thoảng cùng nhau nấu một bữa cơm”.
An tự hào chưa bao giờ thất bại với khách hàng, bởi cô luôn biết lắng nghe và thấu hiểu mọi nhu cầu của khách, làm mọi điều vì cuộc sống tốt đẹp của người khác. Có những lần An từ chối người khách hàng nổi tiếng vì thấy mình không có cảm xúc với công trình đó, khi khách hàng và cô không thể cảm thông nhau…
Hơn hai lần trong cuộc trò chuyện, cô kể với tôi về hình vẽ một con người dang hai tay ra, như một biểu tượng cho triết lý: Con người là trung tâm của vụ trụ này. Cô bảo cấu trúc cơ thể của con người đẹp hoàn hảo nhất trong vũ trụ này và vì thế mà tất cả những gì chúng ta làm đều phải xoay quanh con người, phục vụ con người, trong đó có công việc của một kiến trúc sư. “Tôi làm mọi điều để phục vụ con người” - Mỹ An kết luận.