Ít ai biết được rằng, những thân gỗ xù xì, thậm chí là những loại rác thải, phế liệu trong sinh hoạt hàng ngày, qua bàn tay của nghệ nhân Bùi Văn Tự cũng trở thành những tác phẩm ánh sáng kì ảo, có hồn với những thông điệp nhiều ý nghĩa.
Trong một lần dựng và trang trí non bộ tiểu cảnh, khi lắp đặt thêm ánh sáng để làm nổi bật tiểu cảnh, Bùi Văn Tự khi ấy vẫn đang còn là một cậu sinh viên, chợt nhìn thấy bóng của hòn non bộ hắt lên tường rất giống hình con gấu. Bị thu hút bởi khoảng khắc mà như lời anh nói phát hiện ra một điều kỳ diệu, trong đầu cậu sinh viên Bùi Văn Tự đã thôi thúc bởi một suy nghĩ: “Tại sao không kết hợp giữa tác phẩm nghệ thuật với ánh sáng để tạo ra một tác phẩm theo ý mình?”. Suy nghĩ đó cứ đeo bám anh đến cả sau này khi ra trường đã có một công việc ổn định trong một cơ quan nhà nước.
Khoảnh khắc kỳ diệu mà anh tình cờ phát hiện ra đó, như muốn anh phải là “người chịu trách nhiệm”. Và trong hơn một thập niên theo đuổi loại hình nghệ thuật mới này, nghệ nhân 9x Bùi Văn Tự đã làm rất nhiều các công việc khác nhau như kỹ sư xây dựng, giám đốc sáng tạo trong công ty về thủ công mỹ nghệ, trước khi chính thức dấn thân vào điêu khắc ánh sáng.
Bùi Văn Tự đặt tên cho loại hình nghệ thuật anh theo đuổi là nghệ thuật "điêu khắc" ánh sáng. Đây là môn nghệ thuật kết hợp giữa điêu khắc và ánh sáng, từ đó tạo nên hình ảnh độc đáo từ phần bóng của vật thể. Quá trình sáng tạo một tác phẩm bắt nguồn từ khâu ý tưởng và chọn chất liệu. Nghệ nhân Bùi Văn Tự sẽ là người vừa điêu khắc và điều chỉnh nguồn sáng để xác định góc độ và sự biến dạng của vật thể. Sản phẩm cuối cùng được sắp đặt trước ánh đèn để tạo nên phần bóng có hình thù theo chủ đích của tác giả.
Đây là một loại hình nghệ thuật mới, bởi vậy, không có chỉ dẫn, không có lối đi của người trước để người nghệ sỹ trẻ này học hỏi và sáng tạo. Mọi sự tìm tòi đều là mới mẻ, là sự khám phá thế giới nội tâm đầy mê hoặc, chiều sâu nhưng cũng vô cùng khó để hiểu. Nghệ nhân Bùi Văn Tự chia sẻ, hy vọng sự dấn thân, tìm tòi của anh trong một loại hình nghệ thuật mới này sẽ khơi gợi cảm hứng tới các bạn trẻ về khao khát tìm lối đi cho riêng mình.
Để tạo nên một tác phẩm không dễ dàng, đòi hỏi người nghệ sĩ phải kiên trì và có sự tỉ mỉ nhất định. Ví dụ, với vật liệu gỗ là vật liệu liền khối, giá cao. Trong quá trình làm chỉ cần lỡ tay thì đôi khi phải bỏ đi hết. Còn với vật liệu gốm, anh Tự phải nặn hình rồi đem phơi khô cả tháng trước khi đem nung. Khi nung phải liên tục theo dõi và chỉnh sửa vì chất liệu này có độ biến dạng ở nhiệt độ cao.
Năm 2022, Triển lãm Ánh sáng tri thức, một trong những sự kiện lớn nhất của nghệ nhân Bùi Văn Tự sau hơn một thập niên theo đuổi loại hình nghệ thuật độc đáo này. Triển lãm tập hợp 12 tác phẩm là chân dung của 12 nhà khoa học, danh họa, nhạc sĩ nổi tiếng trên thế giới như Albert Einstein, Nikola Tesla, Leonardo da Vinci, Ludwig van Beethoven...Tại triển lãm, tác giả Bùi Văn Tự chia sẻ: "Tôi luôn tìm kiếm những thể hiện mới mẻ cho từng câu chuyện. Tôi tìm thấy cảm hứng ở ánh sáng, thứ đưa tôi vào cõi mê hoặc. Những tác phẩm ở triển lãm lần này phần nào là tâm hồn của tôi".
Nghệ nhân trẻ 9X Bùi Văn Tự giải thích, chân dung mỗi người là một kiệt tác độc bản, hội tụ của ba dòng chảy: thời gian, không gian và tâm thức. Vì vậy việc thể hiện một tác phẩm chân dung không chỉ đơn thuần là "mô tả lại các thông số giải phẫu trên gương mặt". Người nghệ sĩ cần thể hiện những nét cá tính của nhân vật, thể hiện những thăng trầm của cuộc đời họ.
“Kiến tạo một cột mốc mới cho bản đồ nghệ thuật thế giới” là tầm nhìn được nghệ nhân Bùi Văn Tự xây dựng cho thương hiệu điêu khắc ánh sáng Đại Việt.
Theo lời nghệ nhân Bùi Văn Tự, điêu khắc ánh sáng là cái tên mà nghệ nhân trẻ 9X này đặt cho một loại hình nghệ thuật mới hoàn toàn khác biệt. Bùi Văn Tự cũng là người đầu tiên và duy nhất ở Việt Nam nghiên cứu và phát triển nghệ thuật điêu khắc ánh sáng.