Những công trình kiến trúc, những ngôi nhà đơn sơ được đan kết một cách tinh xảo, sống động từ hàng nghìn cây tăm tre, que kem… ẩn sâu bên trong là cả quá trình kiên nhẫn, đam mê và sáng tạo của người làm.
Chỉ với những chiếc tăm tre hay que kem đơn giản, quen thuộc, nhưng bằng niềm đam mê và đôi bàn tay khéo léo của mình, anh Đỗ Quang Trực (55 tuổi, P. An Phú, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã sáng tạo ra những sản phẩm tinh xảo, độc đáo và ấn tượng.
Anh Trực cho biết, vào khoảng cuối năm 2018, lúc đó công việc của anh có khoảng thời gian trống nhiều, vô tình thấy những cây tăm tre, que kem còn thừa lại nhiều nên anh đã sáng tạo nó để làm vật liệu trang trí trong nhà. Dù chỉ mới bắt đầu với loại hình nghệ thuật này được 4 năm nhưng đến nay, anh Trực đã có khoảng 50 mô hình công trình kiến trúc - văn hóa lớn, nhỏ trong và ngoài nước.
“Ban đầu tôi chỉ làm một vài món đồ nhỏ và đơn giản, nhưng sau tìm hiểu trên mạng thấy có nhiều công trình đẹp nên dần phát triển kĩ thuật công phu hơn. Đầu tiên là tháp Big Ben, tiếp đến là tháp Luân Đôn, làm các công trình nước ngoài xong tôi quay lại làm các công trình ở Việt Nam như ngôi nhà Nam Bộ, chùa Một Cột, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn…”, anh Trực kể.
Theo anh Trực, trong quá trình làm, công đoạn khó nhất là tìm dụng cụ làm giống tương đối nhất với các công trình thật bên ngoài. Đối với các công trình cầu, chùa, nhà thờ,… có những hoạ tiết, hoa văn trên đỉnh tháp, hàng rào rất tỉ mỉ, do đó anh phải tìm hiểu sâu và bám sát vào các hình ảnh trên mạng để làm theo sao cho gần giống nhất.
Đặc biệt, khi mô phỏng các công trình nổi tiếng, anh luôn tôn trọng từng đường nét kiến trúc cơ bản, đặc biệt những chi tiết được cho là độc đáo. Do không phải là kiến trúc sư nên anh không thể đo tỉ lệ chính xác, chỉ ước chừng để có được sự tương đồng đạt khoảng 90% so với kích thước thật.
"Điển hình là công trình nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, điểm đặc biệt là phải mô phỏng các mái có hình ngũ giác ở phía sau, vậy nên khi làm phải đo kích thước tỉ mỉ và mất nhiều thời gian hơn", anh Trực cho hay.
Nguyên vật liệu chính được anh Trực sử dụng là tăm tre và que kem, đây là những vật liệu từ gỗ không gây hại cho môi rường, khi sơn lên vừa bóng đẹp vừa không bị mối mọt, và có khả năng giữ lâu bền hơn cho sản phẩm.
Không chỉ được làm bằng tăm tre, que kem, các sản phẩm của anh Trực còn được trang trí hoa lá bằng đất sét, hệ thống đèn chiếu sáng… mọi thứ được bố trí rất tự nhiên tạo nên nét đẹp hài hòa và nổi bật cho sản phẩm.
“Thời gian để hoàn thành một tác phẩm có thể mất vài tháng, như tháp Luân Đôn là trên 6 tháng, nhà thờ Đức Bà Sài Gòn khoảng 4 tháng. Hiện tôi chủ yếu làm để thỏa đam mê và trưng bày ở nhà cho đẹp, do công sức bỏ ra nhiều, nếu chuyển từ tiền công qua giá thành sẽ khá cao, đôi khi người mua cũng e ngại nên tôi không có ý định bán hay kinh doanh, chỉ để mọi người tới xem và ngắm thôi”, anh Trực bày tỏ.
Những công trình kiến trúc, những ngôi nhà đơn sơ này được đan kết một cách tinh xảo, sống động từ hàng nghìn cây tăm tre, que kem… ẩn sâu bên trong là cả quá trình kiên nhẫn, đam mê và sáng tạo của anh Trực.
Theo chia sẻ của anh Trực, từ khi gắn bó với loại hình nghệ thuật này, tinh thần của anh luôn được thoải mái, thời gian rảnh sẽ chăm chút vào các sản phẩm. Đặc biệt, anh cũng dần quen với việc tận dụng các vật dụng trong nhà để sáng tạo như: tăm tre làm cột nhà, xơ dừa làm lá cây, vỏ chai nước ngọt làm chậu cây,… loại bỏ rác thải nhựa và hướng đến lối sống xanh, sạch, đẹp, thân thiện môi trường.