top of page

Giới thiệu phong trào Pop Art

Có lẽ là một trong những phong cách nghệ thuật nổi tiếng nhất của thế kỷ 20, Pop Art bắt đầu như một tiếng nói sử dụng truyền thông và văn hóa đại chúng làm phương tiện chống lại chủ nghĩa tiêu dùng, cũng như những chuẩn mực thủ cựu về khái niệm nghệ thuật. Chủ nghĩa Pop Art bắt đầu nổi lên vào những năm 1950 và đạt tới đỉnh cao vào thập niên 60. Phong trào này có sự thoát ly khỏi các lý thuyết và phương pháp được sử dụng trong Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng, phong trào đang dẫn đầu trước đó. Thay vì những khủng hoảng về đạo đức, khung cảnh hỗn độn của thế giới sau Thế chiến thứ Nhất, nguồn cảm hứng của Nghệ thuật đại chúng xuất phát chủ yếu từ dòng chảy truyền thông hằng ngày như báo, truyện tranh, tạp chí, các bộ phim của Hollywood và bao bì các sản phẩm tiêu dùng đười thường. Từ đó, các nghệ sĩ cho ra đời những tác phẩm sống động, thiết lập phong trào như một nền tảng vững chắc cho nghệ thuật đương đại.

Khái niệm Pop Art

Nghệ thuật đại chúng bắt đầu vào giữa những năm 1950 ở Anh bởi một nhóm họa sĩ, nhà điêu khắc, nhà văn và nhà phê bình có tên là Independent group và nhanh chóng lan rộng tới Hoa Kỳ. Phong trào được thúc đẩy bởi một cuộc cách mạng văn hóa do các nhà hoạt động, nhà tư tưởng và nghệ sĩ lãnh đạo nhằm mục đích tái cấu trúc một trật tự xã hội được cai trị bởi sự tuân thủ. Bộ collage Just what is it that makes today’s homes so different, so appealing? ( Chỉ có điều, thứ gì đã khiến những ngôi nhà ngày nay trở nên khác biệt, hấp dẫn đến vậy?) năm 1956 của nghệ sĩ tiên phong người Anh Richard Hamilton đã chính thức khởi đầu hiện tượng văn hóa này sau khi xuất hiện trong Phòng trưng bày Whitechapel ở London
Năm 1957, Hamilton đã liệt kê các “đặc điểm của Nghệ thuật đại chúng” như sau trong một bức thư gửi bạn:
“Pop Art là: Phổ biến (được thiết kế cho đại chúng), Nhất thời (giải pháp ngắn hạn), Có thể sử dụng được (dễ bị lãng quên), Chi phí thấp, Sản xuất hàng loạt, Trẻ trung (nhằm vào giới trẻ), Dí dỏm, Gợi cảm, Phô trương, Quyến rũ, Doanh nghiệp lớn.”
Các nhà phê bình theo chủ nghĩa hiện đại khá kinh hoàng trước việc những nghệ sĩ Pop Art sử dụng chủ đề “thấp kém” và cách đối xử có vẻ thiếu phê phán. Trên thực tế, Nghệ thuật đại chúng vừa đưa nghệ thuật vào những lĩnh vực mới, vừa phát triển những cách thức mới để thể hiện nó trong nghệ thuật. Đây có thể coi là một trong những mầm mống đầu tiên của chủ nghĩa hậu hiện đại.

Đặc trưng trường phái nghệ thuật Pop Art

Nghệ thuật đại chúng có thể dễ dàng nhận ra do những màu sắc rực rỡ và những đặc điểm độc đáo xuất hiện trong nhiều tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của phong trào. Dưới đây là một số đặc điểm nổi bật của Pop Art:

+ Hình ảnh dễ nhận biết: Nghệ thuật đại chúng sử dụng hình ảnh và biểu tượng từ các sản phẩm và phương tiện truyền thông phổ biến. Danh sách này có thể kể tới các sản phẩm thương mại như lon súp, biển báo giao thông, ảnh của những người nổi tiếng, báo chí và các mặt hàng khác phổ biến khác, bao gồm cả tên thương hiệu và logo.

+ Màu sắc tươi sáng: Nghệ thuật đại chúng chuyên sử dụng các màu sắc rực rỡ, tươi sáng. Các màu cơ bản đỏ, vàng và xanh lam là những sắc tố nổi bật xuất hiện trong nhiều tác phẩm nổi tiếng thuộc trường phái này.

+ Mỉa mai và châm biếm: Chất châm biếm là một trong những thành phần chính của Pop art. Các nghệ sĩ sử dụng chủ đề để đưa ra tuyên bố về các sự kiện hiện tại, chế nhạo những mốt nhất thời và thách thức hiện trạng.

+ Cải tiến kỹ thuật: Nhiều nghệ sĩ Pop art tham gia vào quy trình in ấn, giúp nhanh chóng tái tạo hình ảnh với số lượng lớn. Andy Warhol đã sử dụng phương pháp in lụa, một quy trình mà mực được chuyển lên giấy hoặc canvas thông qua một màn hình lưới có khuôn tô. Roy Lichtenstein sử dụng kỹ thuật in thạch bản hoặc in từ tấm kim loại hoặc đá để đạt được phong cách hình ảnh đặc trưng của mình. Các nghệ sĩ Pop art thường lấy hình ảnh từ các lĩnh vực khác của nền văn hóa chính thống và kết hợp nó vào các tác phẩm.

+ Nghệ thuật cắt dán: Các nghệ sĩ Nghệ thuật đại chúng thường pha trộn các chất liệu và sử dụng nhiều loại phương tiện khác nhau. Robert Rauschenberg, Tom Wesselmann và Richard Hamilton là những tên tuổi nổi bật trong thể loại này.

Pop Art kiểu Anh vs Pop Art kiểu Mỹ

Có lẽ, sự khác biệt lớn nhất nằm ở việc Pop Art thời kỳ đầu ở Anh được truyền cảm hứng bởi văn hóa đại chúng của Mĩ khi nhìn từ xa, trong khi các nghệ sĩ Mỹ lấy cảm hứng từ chính những gì họ nhìn thấy, cũng như những trải nghiệm khi sống trong nền văn hóa ấy.
Tại Hoa Kỳ, Pop Art là sự trở lại của nghệ thuật biểu hiện (nghệ thuật mô tả thế giới thị giác theo một cách dễ nhận biết). Bằng cách sử dụng hình ảnh phi cá nhân, các nghệ sĩ nhạc pop cũng muốn tránh xa sự nhấn mạnh vào cảm xúc cá nhân và biểu tượng cá nhân đặc trưng cho Chủ nghĩa Biểu hiện Trừu tượng đi trước
Ở Anh, làn sóng Pop Art có cách tiếp cận hàn lâm hơn. Bằng việc sử dụng lối châm biếm và nhại lại, Nghệ thuật đại chúng Anh tập trung nhiều hơn vào định vị những hình ảnh phổ biến, có tính biểu tượng của Mỹ; cũng như sức mạnh của nó trong thao túng lối sống con người.

Mỹ Tâm (theo Asia week)
bottom of page