Xem tác phẩm tại Cuộc thi Designed by Vietnam trong Tuần lễ Thiết kế Việt Nam (VNDW) 2021 vừa qua, càng thấy văn hóa dân tộc đã được chắt lọc và đưa vào các sản phẩm sáng tạo một cách tinh tế. Những người trẻ đã trân quý và viết tiếp câu chuyện của truyền thống theo cách đầy ấn tượng.
1/ Sau lần đầu thành công, Tuần lễ của 2021 diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “Đánh thức Truyền thống” (Awakening Traditions). Sự kiện gồm cuộc thi “Designed by Vietnam”, triển lãm, hội thảo, tọa đàm, mở xưởng (open studio)… nhằm khuyến khích thay đổi tư duy khai thác, làm mới giá trị truyền thống, thúc đẩy xu hướng thiết kế bền vững.
Điểm nhấn là Cuộc thi Designed by Vietnam dành cho các thiết kế thuộc năm lĩnh vực: Thiết kế Truyền thống (Communication design), Thiết kế Đồ nội thất (Living design), Thiết kế Vật dụng & Trang trí (Decor & Object design), Thiết kế Trang phục (Clothing design), Thiết kế công cộng (Public design).
2/ Giải nhất được trao cho nhà thiết kế Vũ Tá Linh (Hà Nội) với câu chuyện về phục trang mang tên N.A.M. Tái sử dụng, tái thiết kế là một cách thức của lối sống bền vững. Đó là thông điệp trong bộ sản phẩm này. N.A.M kết hợp các chất liệu sẵn có từ tủ quần áo với những mảnh vải cổ và kỹ năng tạo tác chất liệu bằng phương pháp thủ công độc đáo. Tá Linh nhất quán trong cách trình bày với bố cục chặt chẽ từ những bản phác thảo có hơi hướng cường điệu đến mẫu thật. Linh chia sẻ, trong thời gian giãn cách do dịch bệnh, tôi thấy trong tủ của mình nhiều quần áo cũ, tôi chợt nghĩ là tại sao mình không tận dụng những thứ đã mang dấu ấn của thời gian đó. Nó cũng có những câu chuyện của riêng mình. Tôi kết hợp những mảnh thời gian ấy với nhau tạo nên một đời sống mới, nó sẽ mang tính truyền thống.
Queen Chair (ghế hoàng hậu), sản phẩm thiết kế đồ nội thất của SMA Studio (Hà Nội) đoạt giải nhì, là sự hội tụ của giá trị lịch sử và chất liệu truyền thống. Lấy cảm hứng từ những chiếc ghế cung đình triều Nguyễn do hoàng hậu Nam Phương sử dụng, các bạn trẻ đã tạo nên một thiết kế mang tinh thần dẫn dắt lịch sử văn hóa để tiếp tục bảo tồn trong thời đại mới. Sơn mài được đặt cạnh những vật liệu như vải thô, da, vừa tương phản, vừa thể hiện sự hòa hợp giữa truyền thống và hiện đại.
Rồi không ai có thể nghĩ tới việc làm một chiếc quạt công nghiệp từ tre, chất liệu truyền thống sẵn có của Việt Nam như bài thi “Gió đánh cành tre” của Nguyễn Huỳnh Nam (Đồng Nai, giải ba cuộc thi). Chiếc quạt cây sắc nét trong từng chi tiết mà vẫn giữ được nét hồn hậu, mộc mạc của tre tự nhiên. Một thiết kế hiện đại nhưng gói ghém dáng dấp Việt Nam.
Ông Lê Bá Ngọc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam, giám khảo cuộc thi cho biết, 183 bài tham dự có chất lượng khá đồng đều và rất khó để chọn ra các giải nhất, nhì, ba. Chúng tôi nhận thấy tiềm năng thiết kế Việt Nam thật sự rất tuyệt vời qua các bài thi.
3/ Nhà thiết kế Vũ Thảo (giám khảo cuộc thi) chia sẻ, cuộc thi như thế này ở thời điểm này có lẽ là rất hiếm hoi và điều làm tôi rất ấn tượng là không khí của giới trẻ, cách họ tiếp cận với văn hóa bản địa, với các biểu tượng truyền thống rất tươi mới. Các bạn không ngại để thể hiện cảm xúc của mình, sự đổi mới của mình và tôi rất hoan nghênh tinh thần như thế, NTK Vũ Thảo cho hay.
Theo PGS, TS Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội), sự kiện lần này đã cho phép ông đưa ra một câu trả lời: Thật sự là giới trẻ không quay lưng lại với truyền thống. Họ không lãng quên truyền thống nhưng vấn đề của chúng ta chưa làm cho truyền thống trở nên hấp dẫn và trở nên phù hợp bối cảnh xã hội ngày hôm nay. Hy vọng rằng, sẽ có thêm những cuộc thi như thế này nữa để truyền cảm hứng cho tất cả mọi người đối với năng lượng sáng tạo dân tộc và từ đó giúp cho chúng ta có thêm một sức mạnh mới, niềm tự hào mới để bước tiếp trong giai đoạn đất nước chúng ta chắc chắn là sẽ còn gặp rất nhiều những khó khăn.