top of page

Kiến trúc bền vững - Tương lai của Nhật Bản

Meta: Những năm gần đây, kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững được coi là xu thế chung của toàn cầu. Đặc biệt, tại những cường quốc về công nghiệp và công nghệ như Nhật Bản, bước chuyển mình này càng được coi là sự phát triển tất yếu.

I. Nguyên nhân Nhật Bản chọn kiến trúc bền vững

Từ xa xưa, con người Nhật Bản đã nổi tiếng coi trọng mối liên kết với thiên nhiên. Vốn là một đất nước nghèo tài nguyên, phần lớn là địa hình đồi núi cao hiểm trở, cộng thêm liên tục chịu ảnh hưởng của thiên tai; sự thiếu thốn ấy đã được chuyển hóa thành lòng tôn kính đặc biệt của người dân xứ Phù Tang. Trong cuốn Japanese Identity - Căn tính Nhật Bản, Isamu Kurita 1997, tác giả đã nói về thiên nhiên như một thế lực huyền diệu, có vị trí cao trong Thần đạo (tôn giáo truyền thống của người Nhật); gần giống Hy Lạp cổ đại với hệ thống thần gắn liền với thiên nhiên, chứ không phải là sản phẩm của Đấng Chí Tôn nào.

Từ sau Thế chiến thứ Hai tới những năm 1980s, Nhật Bản bước vào thời kỳ siêu đô thị hóa. Hậu quả là sự gia tăng đột biến về dân số, dẫn tới cơ sở hạ tầng kiến trúc Nhật phát triển một cách mất kiểm soát mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông… Chưa kể, tuổi thọ của các công trình nhà ở Nhật Bản tương đối thấp, chỉ vào khoảng 35 năm. Trong văn hóa và hệ tư tưởng người Nhật, nhà ở là sản phẩm tiêu dùng ngắn hạn. Một ngôi nhà thường chỉ gắn liền với cuộc đời chủ nhân. Hết thời hạn đó, nó sẽ được tái sinh dưới một hình hài khác. Tuy nhiên, trong bối cảnh ngành xây dựng - kiến trúc chịu trách nhiệm cho 40% lượng phát thải carbon toàn cầu, kiến trúc Nhật Bản đã quyết định đưa ra những thay đổi phương hướng, chuyển trọng tâm sang mô hình kiến trúc bền vững.

II. Khái niệm kiến trúc bền vững

Theo Viện Kiến trúc Nhật Bản (AIJ), một công trình được coi là bền vững cần đảm bảo 3 yếu tố:

1. Tiết kiệm năng lượng và tài nguyên, tái chế vật liệu và giảm thiểu phát thải các chất độc hại trong suốt vòng đời của nó
2. Hài hòa với khí hậu, truyền thống, văn hóa địa phương và môi trường xung quanh
3. Duy trì và cải thiện chất lượng cuộc sống con người trong khi duy trì năng lực của hệ sinh thái ở cấp địa phương và toàn cầu.

Định nghĩa này cũng tương đồng với quan điểm của bà Võ Thị Kiều Diễm, Giám đốc Kinh doanh tập đoàn VASTA STONE tại buổi thảo luận The Future of Workplace in 2023: “Kiến trúc bền vững là việc tạo ra, sử dụng các vật liệu thân thiện với môi trường, ánh sáng tiết kiệm năng lượng và các nguyên tắc thiết kế xanh khác giúp giảm tác động đến môi trường.”

III. Ứng dụng và thực tế

Vào tháng Tư năm 2014, chính phủ Nhật Bản đã thông qua một đạo luật về năng lượng nhằm khuyến khích các ngôi nhà không phát thải khí carbon – Zero Net Energy Houses (ZEH), định hướng đây là tiêu chuẩn cho thiết kế và kiến trúc Nhật Bản tầm nhìn đến năm 2030. Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản như Mitsubishi, Tokyu Land, Tekko,.. từ năm ngoái cũng đã đưa ra quyết định chuyển sang sử dụng năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để giải quyết tận gốc vấn đề từ khâu thiết kế, ta có thể nhìn lại những giải pháp rất gần gũi với khái niệm “thiết kế bền vững” đã tồn tại từ lâu trong lịch sử Nhật Bản

Phong cách kiến trúc Nhật Bản nói riêng và thẩm mỹ Nhật Bản vốn gắn liền với vẻ tinh giản - như phong cách Wabi-Sabi đề cao những màu sắc nguyên bản của chất liệu, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên và gió trời, có đường nét đơn giản. Các nguyên vật liệu được sử dụng nhiều là gỗ, đất, nhôm, kim loại thô,.. Đây cũng là các nguyên liệu sẽ được sử dụng trong kiến trúc Nhật Bản thời gian tới, bởi sự phù hợp với tiêu chí trong kiến trúc bền vững cũng như sở hữu điểm tương đồng với kiến trúc Nhật Bản truyền thống - những ngôi nhà cổ với chiếu tatami, một tấm chiếu làm bằng rơm rạ, cửa chắn bằng giấy shoji và kết cấu nhà từ gỗ.

Kiến trúc sư Nhật Bản Kengo Kuma, một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất tới kiến trúc Nhật Bản đương đại đã nhấn mạnh tầm quan trọng của kiến trúc bền vững, cũng như ánh sáng, không gian và thiên nhiên: “Chúng ta cần quay trở lại với tự nhiên.” Trong 3 thập kỷ qua, công ty của ông đã được biết đến với hơn 200 dự án trên khắp Nhật Bản và thế giới, bao gồm Sân vận động Quốc gia Nhật Bản, nơi đăng cai hai sự kiện tầm cỡ thế giới: Thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo 2020.

Kuma và các cộng sự tìm cách đề cao tính nhân văn trong các công trình kiến trúc bền vững. Các tòa nhà được thiết kế bởi ông thường mang lại cảm giác thân thiện, khiêm tốn và hài hòa với khu vực nơi chúng được dựng lên. Có thể kể tới nhà ga Takanawa - nhà ga thuộc tuyến đường tàu điện ngầm quan trọng nhất Tokyo; sử dụng ánh đèn vàng ấm áp, phần trần nhà được nhấn mạnh với những chiếc máy bay màu trắng lơ lửng thả suốt nhà ga. Mái nhà làm từ các tấm sợi thủy tinh phủ PTFE trong mờ gợi nhớ tới chất liệu shoji truyền thống, với các nếp gấp tinh tế lấy cảm hứng từ môn nghệ thuật “quốc dân” xếp giấy origami. Phần tường sử dụng chất liệu kính kết hợp với khung thép chắc chắn mang vẻ đẹp hiện đại, tận dụng khả năng chiếu sáng tự nhiên, đồng thời tạo mối liên kết giữa không gian trong nhà ga với những chuyến tàu tấp nập bên ngoài; đặc biệt vào ban đêm với sự “hỗ trợ” từ những luồng ánh đèn Tokyo.

Với tiến trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, đặc biệt tại một quốc gia công nghiệp như Nhật Bản, có thể thấy, xu hướng ưu tiên kiến trúc xanh, kiến trúc bền vững sẽ còn tiếp tục phát triển. Chủ động nắm bắt tình hình, xu thế ấy chính là bước đệm cho các doanh nghiệp để đạt tới thành công. VDAS là trang web của Hiệp hội Thiết kế TP. Hồ Chí Minh, nơi cung cấp những thông tin hữu ích, thú vị và thiết thực cho cộng đồng thiết kế.

Mỹ Tâm (theo Asia week)

bottom of page