top of page

Kiến trúc Đông Dương - bản hòa tấu nên thơ (P2)

Những tòa nhà được thiết kế theo phong cách kiến trúc Đông Dương chủ yếu sử dụng kiểu cửa lá sách. Với yêu cầu tối ưu nguồn sáng tự nhiên, cũng như đảm bảo độ thoáng khí mà thiết kế cửa luôn được chú trọng.

Nếu đã từng quan sát, ta sẽ nhận ra những công trình này có bảng màu chủ đạo là vàng, kem, trắng. Đây là dải màu vừa có sự trang nhã thừa hưởng từ Châu Âu; cũng đồng thời chứa cảm giác nồng ấm của xứ Đông Dương. Những màu sơn này, qua thời gian cũng mang đến cho công trình một vẻ đẹp hoài cổ và nên thơ. Để cân bằng lại, phần nội thất (thường là gỗ, tre, nứa, gạch bông, gạch nung,...) đậm chất Á Đông vừa đề cao dấu ấn dân tộc, đồng thời tạo điểm nhấn ấn tượng cho công trình. Một số vật dụng trang trí được sử dụng phổ biến gồm tượng Phật, tứ linh, các biểu tượng dân gian như con rối, con giống, các sinh vật châu Á như hoa cúc, hoa sen, cây bồ đề …

Các công trình kiến trúc Đông Dương tiêu biểu

Tòa án Hà Nội

Có tên gọi mới là Tòa án nhân dân Tối cao Việt Nam, Tòa án Hà Nội là công trình tiêu biểu đầu tiên theo phong cách kiến trúc Tân cổ điển Pháp giao thoa cùng văn hóa bản địa. Công trình có thiên hướng thiết kế đối xứng, tổ chức phân vị, bố trí không gian lớn tạo sự bề thế, uy quyền. Thêm vào đó, giải pháp thiết kế tòa án Hà Nội được kiến trúc sư người Pháp nghiên cứu và thực hiện đề cao khả năng thích ứng phù hợp với khí hậu địa phương.

Khách sạn Hanoi Metropole

Cũng giống Tòa án nhân dân Tối cao, khách sạn Metropole mang những đặc trưng của kiến trúc Pháp như hệ cột La Mã theo các trục thống nhất, hệ thống cửa sổ lặp lại một cách cân xứng. Giải pháp che nắng được áp dụng là cửa sổ được xây dịch vào trong một khoảng vừa đủ để giảm lượng nắng vào phòng, đồng thời cánh cửa được thiết kế với các tấm chắn nắng nghiêng xuống theo góc cố định. Tường sơn trắng muốt, những khung cửa vòm xanh có mái che, những hoạ tiết sắt uốn cong tinh xảo, ván tường gỗ gụ nâu bóng và khoảng sân xanh mướt. Hiện nay, Metropole vẫn sử dụng những đồ nội thất, trang trí cũ như điện thoại cổ, quạt trần cổ, đèn trang trí bằng sứ, đồ gỗ hàng trăm năm tuổi…

Trường Đại Học Đông Dương

Trường Đại Học Đông Dương (nay là Đại Học Quốc Gia Hà Nội) là công trình theo phong cách kiến trúc Đông Dương đầu tiên được xây dựng. Toạ lạc tại vị trí án ngữ một đại lộ lớn lúc bấy giờ – Boulevard Carreau (phố Lý Thường Kiệt ngày nay), xế phía trước lại có một vườn hoa nhỏ, công trình đã tạo ra một điểm nhấn đô thị nổi bật.

Toàn nhà có cấu trúc đăng đối hoàn toàn, mặt bằng không gian theo kiểu chính thống, nhấn mạnh khối sảnh trung tâm, hai phía là giảng đường lớn và thư viện được bố trí trên hai tầng nhà. Tuy nhiên, trong quá trình thi công, Hébrard đã thay đổi gần như toàn bộ hình thức mặt đứng bằng cách đưa vào khá nhiều thành phần kiến trúc Á Đông.

Điểm nhấn cho khối trung tâm là bộ mái ngói nhiều lớp theo hình thức bát giác, giữa các lớp mái là các cửa nhỏ trang trí hoa văn bên cạnh hàng con sơn đỡ mái theo kiểu Trung Hoa cổ. Các cửa sổ cũng được che bởi các ô văng chéo dán ngói. Cho tới ngày nay, công trình này vẫn là điểm chụp ảnh yêu thích của người Hà Nội bởi vẻ đẹp cổ kính của phong cách kiến trúc Đông Dương.

Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn

Cho đến nay, Nhà Thờ Đức Bà Sài Gòn vẫn còn nguyên vẹn vẻ đẹp từ những ngày đầu khởi công vào năm 1877. Là giai đoạn đầu của thời kỳ Pháp thuộc, đồng thời là một công trình tôn giáo cấp quốc gia (vào thời điểm xây dựng) nên đa phần vật liệu được nhập khẩu từ Pháp. Nhà thờ Đức Bà được quy hoạch tại một vị trí đắc địa – nằm giữa quảng trường, liền kề với không gian giao thông, không có hàng rào và khuôn viên kế cận, cũng như có góc nhìn đẹp từ mọi phía.

Kiến trúc Nhà thờ Đức Bà được thiết kế làm theo phong cách Roman có cải tiến ở bên ngoài, thể hiện qua những kết cấu vòm cung La Mã xuất hiện dày đặc trên cửa sổ, cửa chính và các đường chỉ trang trí bên ngoài nhà thờ. Theo các tài liệu ghi chép lại, móng của công trình có thiết kế đặc biệt, có thể chịu tải gấp 10 lần khối kiến trúc nằm bên trên. Một điểm đặc sắc nữa là bề mặt công trình được xây toàn bộ bằng gạch trần và đá xanh, không hề tô trát. Cho tới bây giờ, vẻ ngoài của nhà thờ vẫn giữ nguyên màu gạch hồng tươi, không bị bám rêu mốc.

Bên cạnh phong cách Roman, kiến trúc Nhà thờ Đức bà Sài Gòn còn là sự pha trộn của phong cách Gothic, thể hiện ở phần cuốn vòm gãy, trần cao và các cửa sổ hoa đồgn, chi tiết thường xuyên được bắt gặp ở các thánh đường lớn ở phía Bắc nước Pháp. Đây được xem là một trong những công trình đẹp nhất tại các nước thuộc địa Pháp thời bấy giờ.

Bảo tàng Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh

Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh được xây dựng trong khuôn viên có diện tích… 3.514m². Đặc biệt, đây là công trình đầu tiên ở Sài Gòn đưa thang máy vào thiết kế của tòa nhà. Tại thời điểm đó thì buồng thang máy được làm bằng gỗ và trang trí, chạm trổ theo một chiếc kiệu cổ ở Trung Quốc. Phần mái nhà lợp ngói âm dương màu đỏ, những viên ngói diềm mái tráng men viền màu xanh lục. Các ô cửa sổ thì được lắp kính màu có hoa văn, mang đậm phong cách châu Âu. Sàn nhà lát bằng gạch bông với kiểu dáng, hoa văn đa dạng, phong phú; phần cầu thang thì sử dụng đá cẩm thạch.

Tòa nhà này trước đây là biệt thự Hứa Bổn Hòa, một thương nhân người Hoa nằm trong bốn “đại gia” của Sài Gòn xưa. Công trình kiến trúc Đông Dương này được thiết kế bởi Kiến trúc sư người Pháp Rivera và mất tới 10 năm để hoàn thiện, là sự kết hợp của vẻ đẹp Pháp lãng mạn và chất Trung Hoa xa xỉ.

Mỹ Tâm (theo Asia week)

bottom of page