Vũ Hoàng Anh – Người kể chuyện bằng đồ nội thất
Ước mơ trở thành kiến trúc sư nhưng lại sớm nhận được học bổng của Đại học Ohio Wesleyan, chọn theo ngành Tạo hình và Mỹ thuật Thị giác, nhưng ra trường lại làm Thiết kế Đồ họa, trở về Việt Nam và rẽ ngang sang mảng thiết kế đồ nội thất, mọi thứ đến với Vũ Hoàng Anh như một cái duyên. Thật hay, cái duyên ấy đã cho anh cơ hội thỏa mãn sự sáng tạo và được kể lại câu chuyện cuộc sống bằng đồ nội thất do chính mình tạo ra.
Con đường theo đuổi ước mơ trở thành kiến trúc sư của Vũ Hoàng Anh đã rẽ ngang sang một hướng khác kể từ khi anh nhận học bổng theo học ngành Tạo hình và Mỹ thuật thị giác tại Đại học Ohio Wesleyan, Mỹ. Người ta thường hay nói, mình không chọn nghề mà nghề chọn mình. Cái duyên ấy đã đưa Hoàng Anh đến với thiết kế đồ nội thất khi quay trở lại Việt Nam và có vẻ như điểm dừng chân này đã cho anh cơ hội được thỏa mãn sự sáng tạo. Đối với anh, ngoài điều kiện cần là vẻ đẹp của mỗi sản phẩm thì đằng sau đó còn có những câu chuyện cuộc sống mong muốn được chia sẻ.
Hoàng Anh từng là người đứng đầu phụ trách về thiết kế sản phẩm tại D8 – một công ty nội thất có tiếng tại Sài Gòn. Nhưng để được tự do trong thiết kế cũng như hoàn thiện sản phẩm theo ý tưởng của mình, anh quyết định rời khỏi nơi anh đã gắn bó sau một khoảng thời gian dài làm việc. Tôi gặp Hoàng Anh trong lúc anh đang bận rộn hoàn tất những khâu cuối cùng cho sản phẩm đồ nội thất cá nhân đầu tiên, chiếc kệ mang tên Dzieu – tên gọi “quốc tế hóa” của Diều. Đó là chiếc kệ 5 tầng chỉ có một trục chính thay vì hai trục trở lên như những chiếc kệ thông thường. Ý tưởng của Dzieu cũng đến rất tình cờ, Hoàng Anh kể: “Tôi thường xuyên đến xem trẻ con thả diều ở một bãi đất trống bên quận 2. Có một lần, tôi bị ấn tượng mạnh mẽ khi thấy một chuỗi những chiếc diều xâu vào nhau từ mặt đất lên bầu trời, lơ lửng trong không trung thay vì những chiếc diều đơn. Và khi về nhà tìm hiểu, tôi thấy rằng loại diều này khá phổ biến, đặc biệt trong các Festival Diều ở Huế. Tôi quyết định làm ra một sản phẩm để thể hiện hình ảnh đẹp đẽ đó. Dzieu được thành hình theo đúng nghĩa đen: Dây diều trở thành cột xương sống còn từng cánh diều trở thành mặt kệ. Thiết kế này vừa độc đáo, đơn giản mà thanh thoát, tạo cảm giác phóng khoáng, tự do”.
Dzieu là thành phẩm đầu tiên nhưng trước đó, những ý tưởng lấy từ cuộc sống thường nhật đã được anh tái hiện qua nhiều sản phẩm thiết kế khác như chiếc ghế mô phỏng quá trình làm bánh pizza, chiếc bàn gợi nhớ hình ảnh cây cầu, vài sản phẩm lấy cảm hứng từ nhiều vật liệu công nghiệp, hoặc cũng có thể đơn giản hơn là từ hình dạng của một chữ cái… Hoàng Anh không giới hạn phong cách của mình, nhưng anh muốn mọi thiết kế phải tối ưu, nghĩa là mọi chi tiết đều cần có một công năng nhất định. Anh không muốn tạo nên những thứ xa vời, viển vông và quá thách thức trí tưởng tượng của người sử dụng. Các sản phẩm phải đủ gần gũi để người dùng có thể liên tưởng được thứ mà nó đang nhắc đến.
Hoàng Anh không giới hạn phong cách của mình, nhưng anh muốn mọi thiết kế phải tối ưu, nghĩa là mọi chi tiết đều cần có một công năng nhất định.
Đối với Hoàng Anh, mọi đồ vật sinh ra đều có lý do và việc nâng cao ý thức của người sở hữu chúng rất quan trọng. Đôi khi, người ta mua một cái ghế vì nó đẹp về thị giác, cũng có thể vì nó vừa túi tiền, nhưng nó không nên dừng lại ở đó. Hãy mua một sản phẩm phù hợp với khả năng tài chính nhưng đồng thời cũng mang giá trị nhất định. Hãy cho nó một cơ hội để được kể câu chuyện của mình. Điều đó thể hiện khả năng giải thích ý nghĩa đằng sau tác phẩm của người làm mỹ thuật.
Thiết kế sản phẩm nội thất thực sự là bước ngoặt lớn, nó thỏa mãn cả sở thích cá nhân lẫn nhận thức trong công việc của Hoàng Anh. Được làm mọi thứ bằng tay, được giao tiếp với người thợ, được nhìn thấy ý tưởng của mình từ bản vẽ trở thành món đồ có hình hài, có thể cầm, nắm và sử dụng được.
Hoàng Anh từng đoạt giải ở nhiều cuộc thi thiết kế như Vmark, Singaplural và IFFS. Anh đi thi không chỉ để được công nhận, để quảng bá sản phẩm của mình mà còn “tham vọng” thay đổi cái nhìn của thế giới về ngành công nghiệp thiết kế ở Việt Nam. Làm sao đưa được những yếu tố đời thường vào món đồ sử dụng hàng ngày để làm nổi bật tính văn hóa và tinh thần của thời đại mình, đất nước mình là một trong những mong muốn của Hoàng Anh lúc này, nhưng đồng thời cũng là động lực để anh tìm kiếm nhiều hơn những câu chuyện trong cuộc sống ngày hôm nay.