Thiết kế của văn phòng kiến trúc Việt Nam giành chiến thắng trong cuộc thi kiến trúc quốc tế Tiny House 2023
hiết kế “Cellule of Urban” (Tạm dịch: Tế bào của đô thị) của nhóm tác giả Việt Nam: Phạm Ngọc Hoài Dương, Nguyễn Nhã Uyên, Nguyễn Đức Cảnh, Phạm Nguyên Hưng (Văn phòng kiến trúc Mirai House - Nhà Nhật tại Việt Nam) đạt giải Top 3 Winners - “Người chiến thắng” trong cuộc thi kiến trúc quốc tế Tiny House 2023. Thiết kế có sự tham gia cố vấn chuyên môn của TS. KTS Lê Phong Nguyên (Giảng viên Khoa Kiến trúc - Đại học Bách Khoa Đà Nẵng).
Ngôi nhà không chỉ đảm nhận mỗi chức năng vật lý của nó – nơi che chở cho con người mà còn đóng vai trò kết nối cảm xúc của mỗi cá nhân trong gia đình.
Thế giới luôn vận động không ngừng. Các hình thức kiến trúc của nhà ở cũng phát triển nhanh chóng, với những thiết kế sáng tạo có thể đáp ứng đa dạng nhu cầu sinh hoạt mà không còn bị hạn chế bởi diện tích như trước đây. Nhà ở ngày nay là một không gian linh hoạt, có thể được sử dụng như văn phòng, khu vui chơi, thể dục thể thao, không gian tương tác và giải trí.
Cuộc thi Tiny House do Tạp chí Kiến trúc và Thiết kế Volume Zero tổ chức, nhằm tìm kiếm và tôn vinh những thiết kế nhà ở diện tích nhỏ sáng tạo, linh hoạt và vẫn đáp ứng đủ nhu cầu cần thiết của một căn nhà, tập trung vào khả năng thích ứng và tính đa chức năng. Đồng thời đề cao tính cá nhân, hướng tới sự bền vững và lối sống tối giản mà hiệu quả. Người tham gia được tự do lựa chọn một địa điểm hợp lý trong bối cảnh thành thị hoặc nông thôn.
Ban giám khảo của cuộc thi là những kiến trúc sư, nhà thiết kế giàu kinh nghiệm, chuyên môn đến từ nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có 2 kiến trúc sư của Việt Nam, đó là: KTS Hoàng Thúc Hào (Văn phòng Kiến trúc 1+1>2) và KTS Ngô Việt Khánh Duy (23o5studio).
Thiết kế “Cellule of Urban”
Không gian không chính quy là những không gian không được quy hoạch hoặc quy định bởi các cơ quan quản lý, nơi chưa được chỉ định chính thức cho một mục đích cụ thể mà thay vào đó được mọi người sử dụng cho nhiều hoạt động khác nhau, chủ yếu biểu hiện trong những con hẻm chật hẹp của đô thị Việt Nam.
Thiết kế “Cellule of Urban” được hình thành trên cơ sở quá trình quan sát và phân tích về đô thị và nhà ở hẻm tại Việt Nam. Phân tích thí điểm một khu vực thuộc quận Thanh Khê (Đà Nẵng), nhóm thiết kế nhận định rằng, những không gian này thường là nơi ở cho những cá nhân có hoàn cảnh khó khăn và những người vô gia cư. Đồng thời một phần đáng kể khu dân cư trong “hẻm” cần phải được cải tạo và xây mới để giải quyết vấn đề xuống cấp sau khi đạt tới tuổi thọ công trình. Nhóm thiết kế đã giải mã sự phức tạp về cấu trúc vốn có trong các không gian không đều và thiết lập các mô-đun thiết kế phù hợp với đặc điểm riêng của chúng. Với chi phí xây dựng hiệu quả và thực hiện nhanh chóng, cách tiếp cận hướng đến mục tiêu thúc đẩy đa dạng sinh học, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân, giảm thiểu những lo ngại về chất lượng không khí, đảm bảo an toàn cho khu vực và tăng cường tương tác xã hội ở các đô thị Việt Nam.