Hoài niệm nghệ thuật và kiến trúc trong triển lãm “Không gian khác”
Hoạ sĩ Phạm Thanh Toàn tổ chức triển lãm cá nhân lần 4 mang tên Không gian khác tại nhà cổ P’artie (29-31 Tôn Thất Thiệp, quận 1, TPHCM), từ nay đến ngày 28-5. Triển lãm trưng bày 10 tác phẩm sơn dầu khổ lớn và 1 tác phẩm điêu khắc.
Đứng trước tranh của Phạm Thanh Toàn, dù choáng ngợp nhưng không khó hiểu, nhất là khi tầng tầng lớp lớp các lát cắt cuộc sống đó được thể hiện bằng thủ pháp đơn thuần. Không lớp lang, không kỹ thuật cao siêu…, có chăng là sự lung linh, huyền ảo, sang trọng với hiệu ứng âm bản giữa các lớp màu, không khỏi khiến liên tưởng đến tinh thần của sơn mài. Tính đồ họa đã được tận dụng tinh tế vào bố cục lọc hình và dựng hình cho bối cảnh bao la, rộng lớn, dày đặc nhân vật của hội họa biểu hình (figurative) trên mặt phẳng.
Tuy nhiên, sự nóng bỏng của Không gian khác không chỉ đến từ bút pháp mãnh liệt, đường nét thô ráp mang tính biểu tượng, hay màu sắc sống động, bạo liệt, mà còn từ sức trẻ trong suy nghĩ và thực hành nghệ thuật của Phạm Thanh Toàn.
Chúng ta dễ dàng nhìn thấy nhiều thế giới tưởng tượng đang tồn tại song song trong cùng một bề mặt không gian. Đôi lúc ta có cảm giác người họa sĩ cố tình kết thúc thế giới tưởng tượng này để đi vào thế giới tưởng tượng khác. Nhiều nhà phê bình nghệ thuật nhìn nhận, đây chính là sự tài tình của hoạ sĩ trong cách cân bằng hiệu quả thị giác với cảm xúc bản năng và biểu hiện trực diện – những yếu tố được anh coi trọng như nhau.
Và đây cũng là lần thứ 2, không gian kiến trúc thuộc địa – nhà cổ P’artie, từng được xem là nhà khách của đền Hindu Sri Thendayuthapani (nằm đối diện) mở rộng cửa bảo trợ nghệ thuật.