top of page

Sự kết hợp hài hoà giữa mỹ thuật của người Mạ và người S’Tiêng vào thiết kế sản phẩm đèn trang trí

22 thg 8, 2023

Trong sự phát triển của xã hội tiêu dùng ngày nay, ô nhiễm môi trường đang trở thành vấn nạn được cả thế giới quan tâm, nhiều phong trào vận động bảo vệ môi trường ở các cấp độ quốc gia và quốc tế được hình thành. Ngành thiết kế sản phẩm cũng được định hướng thân thiện môi trường với những thiết kế bền vững, vì có tác động trực tiếp đến số đông. Song hành với thiết kế bền vững là phong cách tối giản, phản ánh lối sống hòa hợp tự nhiên. Định hướng nghệ thuật tối giản cũng tìm thấy sự hòa hợp với nghệ thuật trang trí kỷ hà, hình học, trong sáng và tinh tế qua nghệ thuật dệt của người Mạ và nghệ thuật đan lát của người S’Tiêng.

Ở các nước phát triển, hoa văn đặc trưng dân tộc luôn được ưu tiên ứng dụng trong thiết kế sản phẩm, vừa tạo dấu ấn bản sắc vừa phù hợp thời đại. Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của kỷ nguyên số và trí thông minh nhân tạo khiến việc giữ gìn những di sản mỹ thuật dân tộc càng trở nên tất yếu, bởi sự đe dọa triệt tiêu luôn hiện hữu đối với các nền văn hóa yếu thế.

Trên cơ sở đó, dự án “Kết hợp nghệ thuật dệt của người Mạ và đan lát người S’Tiêng vào thiết kế đèn trang trí” được ấp ủ trong thời gian dài và bắt đầu triển khai thực hiện sản phẩm từ tháng 11/2021 đến 03/2022. Dự án trải qua những giai đoạn: Tìm hiểu thông tin thông qua sách và tài liệu thực tế; Kết nối các mối quan hệ với người bản địa; Lên ý tưởng, dự trù kinh phí và triển khai thiết kế; Viết báo cáo tốt nghiệp và hoàn thành luận văn.

NGUỒN GỐC TỘC NGƯỜI

Người Mạ, hay dân tộc Châu Mạ là cư dân bản địa có lịch sử định cư lâu đời ở khu vực Tây Nguyên, miền đông Nam bộ, trải dài từ Đồng Nai đến Lâm Đồng. Có thời kỳ các nhà nghiên cứu lịch sử và dân tộc học gọi là Vương quốc Mạ bởi sự hoàn chỉnh về tổ chức, kết cấu xã hội cùng nền văn học, nghệ thuật phát triển của họ. Ngày nay, người Mạ là 1 trong 54 dân tộc của Việt Nam thuộc ngữ hệ Môn - Khơme, với nền văn hóa, nghệ thuật đặc sắc, phong phú, đầy đủ các giá trị di sản vật thể và phi vật thể. Hiện tại dân tộc Mạ còn lại khoảng 20 thợ thủ công. Đặc biệt có nghệ nhân quốc gia Ka Bào đã ngoài 70 tuổi và dẫn đến lớp thế hệ trẻ đang được truyền dạy để tiếp nối truyền thống.

Người S'Tiêng sinh tụ lâu đời ở vùng Trường Sơn - Tây Nguyên và sớm có mặt tại miền Đông Nam Bộ. Những nhóm cư dân S'Tiêng sinh sống trên địa bàn Đồng Nai, thuộc nhóm loại hình nhân chủng Anhđônêdiêng, về mặt ngôn ngữ, thuộc ngữ hệ Môn - Khơ me, dòng Nam Á, chưa có chữ viết riêng. Hiện nay, người S’Tiêng sinh sống tập trung ở xã Tà Lài, huyện Tân Phú, chỉ còn 7 thợ thủ công lành nghề trên 70 tuổi. Nguồn cung vật liệu khan hiếm và đầu ra sản phẩm truyền thống ít dẫn đến lớp thanh niên trẻ không theo nghề truyền thống này.

CHẤT LIỆU VÀ KỸ THUẬT

Kỹ thuật dệt của người Mạ.

Dệt là công việc gia truyền của những phụ nữ người Mạ, trong mỗi gia đình đều có khung dệt và quay sợi. Các sản phẩm dệt phục vụ tất cả nhu cầu đời sống như trang phục khố, váy và đồ dùng sinh hoạt mền, khăn, dây quấn đầu… Con gái học kỹ thuật dệt từ bà, mẹ và chị, để dệt nên những sản phẩm thật đẹp, có khi còn để chuẩn bị làm của hồi môn.

Quá trình làm nên 1 sản phẩm dệt của người Mạ bắt đầu bằng việc trồng cây bông trên rẫy để thu hoạch bông, se sợi chỉ, nhuộm chỉ và dệt. Công cụ dệt là khung quay sợi và khung dệt được làm bằng tre, dù có vẻ đơn giản nhưng có kỹ thuật cao, đầy đủ công năng cho việc dệt vì được chế tạo từ kinh nghiệm truyền đời.

Kỹ thuật nhuộm màu chỉ của người Mạ là kinh nghiệm truyền đời qua các thế hệ, chất màu hoàn toàn từ tự nhiên, có thể nói đây là điều mà các thiết kế sản phẩm đương đại đang hướng đến. Những màu sắc này thể hiện mã màu đặc trưng của người Mạ: màu chàm xanh đen, vàng đậm, vàng nhạt, cam, đỏ, nâu, xanh dương, xanh lá.

Người phụ nữ dệt trong tư thế ngồi, từ khâu quấn chỉ thành cuộn, nối chỉ vào con thoi, luồn vào khung dệt, buộc dây đai lưng, kẹp khung, đập chỉ cho chặt và thẳng khung.

Dệt không có hoa văn là đơn giản nhất, trong khi dệt có hoa văn yêu cầu sự tỉ mỉ và thận trọng, đảm bảo ý tưởng. Các ý tưởng hoa văn định hình trên sản phẩm đã được dự tính trước và người thợ phải sắp xếp chọn lựa, chỉ màu tương ứng cho vào khung dệt, mỗi hoa văn có cách dệt khác nhau.

Kỹ thuật đan của người S’Tiêng.

Đan lát xuất hiện từ rất lâu đời trong cư dân S’Tiêng. Sản phẩm của nghề đan lát khá đa dạng về loại hình cũng như công dụng như gùi, rổ, rá, giỏ, nong, phên... Các sản phẩm của đan lát chủ yếu dùng trong việc chứa đựng, tích trữ hay vận chuyển nông sản, sử dụng đo lường (gùi, thúng, rổ) hay để hong, phơi (nia, nong) hoặc làm tấm che (phên, cót). Người S’Tiêng làm ra sản phẩm chủ yếu phục vụ trong gia đình và thỉnh thoảng dùng để trao đổi (hàng đổi hàng) giữa các nhóm cộng đồng dân cư với nhau nhưng không đáng kể.

Mọi công đoạn từ lấy vật liệu và vót lồ ô, mây người thợ đều chỉ dùng dao và xà gạc với thiết kế độc đáo, được khai thác trong môi trường tự nhiên. Đem vật liệu về vót kỹ, bỏ phần ruột, lấy phần cật phơi khô, ngâm nước, phơi khô trước khi sử dụng và tạo màu sắc cho sản phẩm. Người thợ tiến hành đan gùi, rổ, nia... vào buổi sáng từ 6 giờ đến 10 giờ do thời gian này nắng dịu, không gây ảnh hưởng đến độ ẩm của vật liệu, giúp đan dễ dàng.

Người thợ có kỹ thuật nhuộm đen truyền thống bằng dầu chài, tuy nhiên ngày nay không còn khai thác vì để bảo tồn hệ thực vật đặc hữu. Thay vào đó người dân sẽ dùng hai phương pháp để nhuộm: Để trên gác bếp trong thời gian từ 3 đến 4 tháng để vật liệu đen óng từ muội than tự nhiên hoặc đốt lốp cao su lấy tro để nhuộm - cách làm này tuy nhanh nhưng không an toàn cho sức khoẻ.

Kỹ thuật đan có kiểu lóng một, lóng đôi hay lóng ba, tuỳ theo công dụng của từng sản phẩm mà người S’Tiêng áp dụng kiểu đan phù hợp.

Gùi là sản phẩm đặc trưng của người S’Tiêng và có thể phân biệt được hình dáng gùi qua miệng gùi đứng, miệng gùi loe, gùi mắt cáo. Với đặc tính đi rừng và vác trên lưng nên có nhiều loại gùi được sử dụng như gùi (xá) đựng lương thực, nước uống bằng cách luồng hai quai qua vai, gùi nan chặt để cõng lúa, gùi nan thưa để củi, rau, củ.

ĐẶC TRƯNG HOA VĂN CỦA NGƯỜI MẠ VÀ NGƯỜI S’TIÊNG.

Các dạng hoa văn đặc trưng rất dễ nhận ra đó là đường diềm dạng kỷ hà, hình học như hình thoi, tam giác, hay các vạch nối tiếp cấu thành các ô cố định đều nhau. Trong các ô là hình tượng con người, cây cối, loài vật… được sáng tạo quy về tối giản theo kiểu ô li hình vuông. Tổng thể bố cục có nhiều khoảng trống xung quanh hoa văn, toát lên sự đồng điệu với nghệ thuật đương đại ở chỗ tối giản và tinh tế.
Các kiểu hoa văn trên sản phẩm dệt của người Mạ rất phong phú, được hình thành trong quá trình sinh sống, lao động sản xuất. Người Mạ sáng tạo mỹ thuật hoa văn dệt một cách chủ động, vừa kế thừa truyền thống, vừa sáng tạo theo thời đại, cho ra những hoa văn mới. Các hình tượng tiêu biểu hoa văn dệt của người Mạ như mặt trời, con người (nam và nữ), con mắt; các con vật như khỉ, trâu, dê, bướm, chim, cây cối; vật dụng như đèn, xà gạc, đặc biệt có máy bay… Mỗi hình tượng mang ý nghĩa theo quan niệm của người Mạ như sự mạnh mẽ của con người trước núi rừng, đời sống của cộng đồng, niềm vui, lễ hội, niềm tin vào đấng siêu nhiên. Các hoa văn với màu sắc tươi sáng được dệt trên nền vải màu sáng và tối là trắng ngà và nâu chàm.

Kiểu họa tiết trang trí phụ thường thấy là kỷ hà, hình học còn có các tên gọi như ùi kor, ùi chả pụ rằng, ùi xe pe, tròi lùng. Các hoa văn đặc biệt hơn thể hiện trên váy, khố như sọc trơn, sọc bông, hình con thú, hoa cỏ với các tên gọi như ùi pênh pụ, ùi pênh rằn, ùi pênh còn chau. Các tấm khố thường bỏ tua rua ở hai đầu để trang trí. Áo là sản phẩm được trang trí chăm chút với số lượng hoa văn nhiều hơn cả như các con thú, hoa, cây cỏ vật dụng, gọi là krơ kòn chau.

Các hình tượng tiêu biểu hoa văn đan của người S’Tiêng như con chim cu đẻ (đe đai ai tướp), cây dây leo (piết na), đan lóng 1 (con mui), lóng 2 (con va), lóng 3 (con va), hoa văn xà gạc (quya a),…

ỨNG DỤNG VÀO SẢN PHẨM THIẾT KẾ ĐƯƠNG ĐẠI.

Sản phẩm đèn trần: Về cấu trúc, đèn dựa trên sự kết hợp của hai chiếc gùi đấu miệng vào nhau. Phần đáy đan kín theo lối đan lát truyền thống của người S’Tiêng, phần miệng bỏ lửng kéo các thanh dọc, uốn cong và kết nối tạo thành 2 khối cầu ảo giao nhau. Tại điểm giao được liên kết và trang trí bằng dải thổ cẩm bố cục ngang của người Mạ, tạo thành một sự chắc chắn cho tổng thể đồng thời là một điểm nhấn thẩm mỹ, từ đó thể hiện sự giao thoa nhịp nhàng giữa sản phẩm đan và dệt trong một thiết kế sản phẩm thiết kế ứng dụng hiện đại.

Về hình thức, phần đan lát là sự xen kẽ màu đen và màu tự nhiên của vật liệu, hoạ tiết miêu tả sự sinh sôi, phát triển về một tương lai ấm no bằng hình ảnh con chim cu đẻ (đe đai ai tướp). Phần điểm nhấn thẩm mỹ là dải thổ cẩm được dệt với hoa văn truyền thống nhưng phối lại những màu sắc và bố cục hiện đại hài hoà ít rực rỡ theo ý đồ sáng tạo của tác giả. Năm màu chính trên thổ cẩm như: đỏ, cam, vàng, xanh dương, xanh lá, đen là những màu tốt lành theo truyền thống người mạ. Các hoa văn gồm có: con cò, con vịt, con khỉ, con tắc kè, con nhện, con chó, mặt trời, xà gạc…đều là những hoa văn truyền thống quen thuộc của người Mạ.

Sản phẩm đèn sàn: Về cấu trúc và hình thức cũng giống như đèn trần, nhưng module phía trên nhỏ hơn và phía dưới lớn hơn, kết hợp chân đứng bằng gỗ sơn màu tối làm nổi bật 2 module và độ nặng đủ để giữ thăng bằng cho đèn.
Đèn đáp ứng đầy đủ yếu tố chiếu sáng gián tiếp theo kiểu thấu quang của đèn trang trí, màu ánh sáng vàng nắng mang lại cảm giác ấm áp cho không gian. Công suất và an toàn điện năng được nghiên cứu và ứng dụng phù hợp đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người sử dụng.

Là nhà thiết kế sản phẩm ứng dụng, tác gỉa đã nhận ra được tiềm năng của sự kết hợp hài hoà giữa mỹ thuật của người Mạ và người S’tiêng vào thiết kế sản phẩm. Do đó, tác giả đã tìm hiểu tài liệu, đến thực địa để sáng tạo sản phẩm đèn trang trí. Thiết kế đã ứng dụng hoa văn đặc trưng nhất của người Mạ và nguyên bản kỹ thuật, mô típ đan gùi truyền thống người S’tiêng. Bên cạnh đó, tác giả ứng dụng những thủ pháp nghệ thuật thiết kế đương đại như khối thực – khối ảo; khối đặc – khối rỗng; tương phản vật liệu: gồ gề - trơn, cứng – mềm, dày – thưa, tự nhiên - nhân tạo; thấu quang ánh sáng, nhằm mang lại cảm giác thích thú cho người xem khi trải nghiệm sản phẩm.

Bộ sưu tập bước đầu đạt được những kết quả tích cực với đánh giá từ hội đồng chuyên môn đã mở ra hướng đi mới cho ngành thiết kế sản phẩm ứng dụng hoa văn truyền thống. Từ đó đánh thức sự yêu mến văn hoá dân tộc của công chúng trong nước, đồng thời góp phần bảo vệ và phổ biến những di sản văn hoá bản địa độc đáo ra thế giới.

Lê Hà Đông
bottom of page