Nhiều quốc gia trên thế giới coi thiết kế là thế mạnh của công nghiệp văn hóa. Việt Nam đứng ở đâu trên “bản đồ” thiết kế của thế giới? Câu trả lời hiện vẫn còn bỏ ngỏ. Nhưng chúng ta có thể tạo ra bản sắc, sự độc đáo, cuốn hút cho thiết kế Việt trên nhiều lĩnh vực từ chất liệu truyền thống - điều mới chỉ được quan tâm trong thời gian gần đây.
Tài nguyên tại chỗ
Hãng đồng hồ danh tiếng thế giới Speake-Marin từng nhiều lần đưa những họa tiết trống đồng Ðông Sơn vào các sản phẩm của mình. Ðó đều là những chiếc đồng hồ được bán ra với giá tiền tỷ, dành cho thị trường Việt Nam. Tất nhiên, chúng đều được tiêu thụ hết. Khi đến Việt Nam, hãng thời trang xa xỉ Hermes cũng đặt hàng nhà thiết kế Phan Linh thiết kế những ô cửa sổ để trưng bày những sản phẩm thời trang đắt tiền của hãng. Với loạt thiết kế mang tên Dream (Giấc mơ), nhà thiết kế Phan Linh đã sử dụng những chất liệu truyền thống và đạt được hiệu quả thẩm mỹ ngoài mong đợi. Ðây là xu hướng được nhiều quốc gia trên thế giới ứng dụng. Và chỉ với vài thí dụ kể trên, có thể thấy, chất liệu truyền thống Việt Nam hoàn toàn có thể đi vào những thiết kế đặc sắc nhất, xa xỉ nhất. Tuy nhiên, ở Việt Nam, đôi khi, các nhà thiết kế mải chạy theo những xu thế thời thượng của thế giới mà chưa quan tâm đúng mức đến nguồn “tài nguyên” bản địa.
Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam đang tổ chức cuộc thi Thiết kế Việt Nam 2021. Các nhà tổ chức chọn chủ đề “Ðánh thức truyền thống”. Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển Nghệ thuật đương đại (thuộc Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) Nguyễn Thị Thu Hà cho biết: “Với chủ đề Ðánh thức truyền thống, ban tổ chức mong muốn thay đổi tư duy của các nhà thiết kế, mong muốn mọi người chú ý đến truyền thống, khai thác, làm mới truyền thống để hướng tới xu thế phát triển bền vững ở năm lĩnh vực: Truyền thông, đồ nội thất, trang phục, vật dụng trang trí, thiết kế công cộng”. Thế giới có nhiều xu hướng, phong cách thiết kế khác nhau, các nhà thiết kế nếu không nắm bắt, học hỏi sẽ bị tụt hậu. Nhưng để tạo ra bản sắc, thì vấn đề nằm ở cách thức khai thác, ứng dụng những giá trị văn hóa truyền thống. Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam Lê Bá Ngọc nhận định rằng, Việt Nam có lợi thế rất lớn từ thiết kế truyền thống. Bởi chúng ta có 54 dân tộc, với văn hóa hết sức đa dạng. Chỉ riêng “vốn” văn hóa của dân tộc Kinh đã có thể khai thác nhiều giá trị khác nhau, từ hữu hình đến vô hình. Thí dụ như có thể sáng tạo từ cảm hứng về kiến trúc truyền thống, họa tiết trang trí truyền thống, như các họa tiết ở di tích. Có những họa sĩ tạo hình ra hàng nghìn con trâu khác nhau dùng trong trang trí chỉ từ những họa tiết trang trí cổ truyền. Nhiều vật dụng trong đời sống người dân xưa kia cũng có thể được đưa vào trang trí ngày nay. Ðó là chưa kể đến “kho tàng” văn hóa của các dân tộc: H’Mông, Thái, Dao... hay các dân tộc ở Tây Nguyên.
Ðể truyền thống “hòa nhập” đương đại
“Ðích đến” của những thiết kế chính là sản phẩm có giá trị văn hóa, mang lại giá trị gia tăng. Nếu chỉ sử dụng nguyên mẫu những thiết kế truyền thống, chúng ta dễ bị “vênh” giữa cung và cầu. Tương tự, những sáng tạo trên nền tảng truyền thống chưa chắc đã được xã hội, được thị trường “hấp thu”, nếu không tìm được sự hài hòa, phù hợp. Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ Lê Bá Ngọc cho biết, có nhiều cách để khai thác giá trị truyền thống. Ðối với vật liệu trang trí và nội thất, các nhà thiết kế nên chú ý đến một số yếu tố, trước hết, là phải nhắm đến đối tượng cụ thể, thiết kế cho ai. Trả lời được câu hỏi này, người sáng tạo sẽ có giải pháp phù hợp. Bên cạnh đó, cần cân nhắc kỹ các vấn đề: Vật liệu, sản xuất, phân phối, tiêu dùng, tuổi thọ. Có những vấn đề tưởng như đơn giản, nhưng chưa được chú ý như sản phẩm vận chuyển khó khăn sẽ làm giá thành tăng, điều này ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tiêu dùng. Hay khi hết vòng đời sản phẩm, thì sản phẩm đó sẽ ra sao? Các vật liệu truyền thống có lợi thế là ít gây ảnh hưởng môi trường - đây là yếu tố mà quốc tế đề cao, các nhà thiết kế cần lưu tâm đến những vấn đề này để có sản phẩm thích ứng được với cuộc sống.
Tại Hà Nội, Trung tâm Hoạt động Văn hóa - Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám là đơn vị đạt được những thành công ngoài mong đợi khi phối hợp các nhà thiết kế tạo ra bộ quà lưu niệm riêng, mang đậm dấu ấn văn hóa Việt, dấu ấn Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ðó là các món đồ trang trí, như hình ảnh Khuê Văn Các thu nhỏ, hoặc tranh Khuê Văn Các trên các chất liệu khác nhau... Các sản phẩm dùng hằng ngày như: bình đựng nước, giá để điện thoại, hộp bút, bút, móc chìa khóa... được trang trí công phu. “Chất” văn hóa thể hiện ở chỗ chiếc bình đựng nước mang dáng dấp ống quyển của học trò thời phong kiến, chiếc giá để điện thoại bằng tre ghép có khắc hình sĩ tử thời xưa... đều được làm bằng chất liệu tre, gỗ, rất đặc trưng của văn hóa Việt Nam. Các sản phẩm này được tiêu thụ rất tốt, nhất là với khách quốc tế, không chỉ là những lưu niệm đơn thuần, mà còn góp phần quảng bá di sản Văn Miếu - Quốc Tử Giám, văn hóa Việt Nam.
Nhà thiết kế Từ Phương Thảo cho biết, tính truyền thống giúp sản phẩm nhận diện tốt hơn khi ra thị trường, ra thế giới. Kho tàng văn hóa truyền thống như một “đại gia” luôn tài trợ rất nhiều ý tưởng cho các nhà thiết kế. Tuy nhiên, phải vận dụng khai thác hợp lý thì mới có thể đi đường dài.