Sau thông tin Sàn giao dịch kim cương Surat ở Ấn Độ đã chính thức vượt mặt Lầu Năm Góc để trở thành tòa nhà văn phòng lớn nhất thế giới, chúng tôi đã tổng hợp một danh sách bao gồm 10 tòa với kích thước khổng lồ tồn tại sừng sững như những cái quái thú thật sự ngay giữa trung tâm các đô thị hoa lệ nhất thế giới.
1. Surat Diamond Bourse, Ấn Độ (Morphogenesis)
Được thiết kế bởi studio kiến trúc Morphogenesis theo concept "thành phố bên trong thành phố", Surat Diamond Bourse vừa qua đã vượt qua Lầu Năm Góc để trở thành tòa nhà văn phòng lớn nhất thế giới. Công trình này rộng 660.000 mét vuông được tạo hình một lõi trung tâm với chín cánh 15 tầng tỏa ra xung quanh. Có tổng cộng 4.717 văn phòng tại đây và được thiết kế chuyên dụng cho các chuyên gia trong lĩnh vực kim cương.
2. (W)rapper Tower, Hoa Kỳ (Eric Owen Moss)
Được đặt tên theo hệ thống hỗ trợ cấu trúc bao phủ bên ngoài, (W)rapper Tower là tòa nhà văn phòng hình chữ T ở Los Angeles được thiết kế bởi kiến trúc sư người Mỹ Eric Owen Moss. Điểm đặc biệt ở công trình này chính là cấu trúc thép điêu khắc được “bảo vệ” bởi lớp thạch cao xi măng xám và được thiết kế để tối ưu hóa khả năng chống động đất. Kết cấu đặc biệt này cũng giúp cho không gian bên trong tòa nhà hoàn toàn vắng bóng những cột chống.
3. Trụ sở CCTV, Trung Quốc (OMA)
Trụ sở CCTV tại thủ đô Bắc Kinh là tòa nhà cao 54 tầng do studio OMA của Rem Koolhaas thiết kế như một lời thách thức đến phong cách xây dựng các tòa nhà chọc trời truyền thống . Hai tòa tháp nghiêng về phía nhau và kết nối trên đỉnh bằng một liên kết đúc hẫng dài 75 mét. Do thiết kế khác thường này, tòa nhà được nhận xét là một công trình tinh hoa của kiến trúc giải tỏa kết cấu, đồng thời được người dân địa phương gọi bằng biệt danh vui nhộn là "chiếc quần lớn".
4. Sân vận động Mercedes-Benz, Hoa Kỳ (HOK)
Công ty kiến trúc HOK đã thiết kế tám tấm panel hình tam giác đcó thể mở và đóng, mô phỏng theo cách mà ống kính máy ảnh đóng-mở, để áp dụng lên phần mái của Sân vận động Mercedes-Benz ở Atlanta. Địa điểm tổ chức Super Bowl lần thứ 53 vào năm 2019 này có sức chứa 71.000 khán giả.
5. Nhà thi đấu O2, Vương quốc Anh (Richard Rogers)
Là một trong những địa điểm mang tính biểu tượng nhất của London, Nhà thi đấu O2 sở hữu phần mái vòm cao 50 mét làm từ vải sợi thủy tinh phủ PTFE làm tôn lên 12 tòa tháp màu vàng sáng vươn cao 100 mét phía trên mái vòm.
Công trình này là đứa con tinh thần của kiến trúc sư người Anh Richard Rogers và được mở cửa lần đầu tiên năm 1999 để tổ chức một cuộc triển lãm chào đón thiên niên kỷ mới. Kể từ đó, nơi này đã được tái thiết kế bởi studio kiến trúc Populous và trở thành một “đấu trường” hiện đại có sức chứa 20.000 người.
6. Sân bay quốc tế Daxing Bắc Kinh, Trung Quốc (Zaha Hadid Architects)
Nhìn từ trên cao, sân bay quốc tế Đại Hưng Bắc Kinh rộng 700.000 mét vuông do Zaha Hadid Architects thực hiện mang dáng hình một chú sao biển khổng lồ. Sân bay được bố trí bốn tầng, chia thành năm cầu tàu cho máy bay tỏa ra từ không gian trung tâm. Toàn bộ khu vực này đều nhận được nguồn ánh sáng tự nhiên từ trên mái nhà bằng kính.
7. Sân bay quốc tế Kansai, Nhật Bản (Renzo Piano)
Một sân bay khác góp mặt trong danh sách này là sân bay quốc tế Kansai – thành quả của kiến trúc sư người Ý Renzo Piano. Được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo cách bờ vịnh Osaka 3 dặm, chỉ riêng khu vực nhà ga đã dài 1,1 dặm được tô điểm bằng các mái nhịp trong bất đối xứng (asymmetrical clear-span roof) mang đậm tinh thần kiến trúc công nghệ cao. Kiến trúc sư Piano đã hợp tác cùng với công ty kỹ thuật Arup để thiết kế 82.000 tấm thép có hình dạng và kích thước giống hệt nhau để bao phủ phần mái cong của nhà ga, nhẹ nhàng nâng lên ở giữa và hạ xuống ở hai đầu.
8. MSG Sphere, Hoa Kỳ (Populous)
MSG Sphere ở Las Vegas, cấu trúc hình cầu lớn nhất thế giới, được trang bị màn hình LED rộng 54.000 mét vuông. Địa điểm này được thiết kế bởi studio kiến trúc Populous với mục đích tổ chức các buổi hòa nhạc và giải trí trực tiếp với sức chứa 20.000 người.
9. Raffles City Chongqing , Trung Quốc (Safdie Architects)
Được thiết kế bởi studio kiến trúc Safdie Architects, Raffles City Chongqing là một khu phức hợp chọc trời không chỉ với một, mà là tám tòa nhà vươn lên từ khối đế năm tầng. Một cây cầu trên cao hình ống, được studio thiết kế mô tả như một "tòa nhà nằm ngang", trải dài 300 mét và vắt ngang đỉnh của bốn tòa tháp cao 250 mét.
10. Future Towers, Ấn Độ (MVRDV)
Studio kiến trúc Hà Lan MVRDV đã thiết kế tòa nhà chung cư Future Towers ở Pune, Ấn Độ, được miêu tả như là "một cấu trúc núi kỳ dị với các đỉnh núi và thung lũng liền kề". Tòa nhà có sức chứa khoảng 5.000 người với chín cánh dốc có chiều cao từ 17 đến 30 tầng, phân nhánh ra các khoảng sân đa chức năng.