Năm 2021 đánh dấu 100 năm phong cách kiến trúc Đông Dương xuất hiện ở Việt Nam. Một thế kỷ qua đi, nhưng những tòa nhà duyên dáng như Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng lịch sử TP.HCM, Nhà thờ Đức Bà hay trường THPT Chu Văn An vẫn sừng sững tồn tại, như một chứng tích cho lịch sử, thời gian và sự khéo léo, tài hoa của những người làm kiến trúc.
Lịch sử kiến trúc Đông Dương
Đông Dương vốn là tên gọi chung ba quôc gia Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia trong thời kỳ bị Pháp chiếm đóng. Ngày 11/7/1921, kiến trúc sư người Pháp Ernest Hébrard ký một hợp đồng lao động với Toàn quyền Đông Dương, đích đến là Hà Nội trong thời trang 6 tháng. Nhưng ông không ngờ rằng, chuyến công tác này sẽ kéo dài tới 10 năm. Và tại xứ sở xa lạ ấy, ông sẽ để lại những biểu tượng mà tầm ảnh hưởng của nó còn tồn tại tới nhiều thập kỷ sau.
Phong cách kiến trúc Đông Dương tuy chỉ phát triển mạnh mẽ trong vài thập kỷ từ thập niên 1920 đến những năm đầu thập niên 1950, nhưng là giai đoạn thịnh kỳ của kiến trúc dân sự thời kỳ thuộc địa, cũng như tiền đề cho kiến trúc theo trào lưu Hiện đại Nhiệt đới miền Nam Việt Nam về sau. Phong cách Đông Dương cho thấy các kiến trúc sư người Pháp đã có chủ ý tôn trọng văn hóa bản địa trong hoạt động xây dựng đô thị.
Tuy nhiên, những công trình khởi thủy cho khái niệm kiến trúc Đông Dương, cho sự giao thoa Á-Âu đó vốn đã tồn tại từ thế kỷ XIX, với chủ nhân là… những giáo sĩ Thiên Chúa giáo. Những ngôi thánh đường và nhà nguyện tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ hình thành từ những năm đầu của thế kỷ 19, thường được mô tả là “những ngôi nhà An Nam kéo dài”, bởi họ tận dụng bộ khung nhà, cấu kiện kiến trúc và trang trí của Việt Nam có tính chất tương tự như trong kiến trúc phương Tây để nhanh chóng dựng nên ngôi nhà của Chúa. Hoạt động truyền giáo đạt được thành công một phần nhờ vào nỗ lực tạo ra những công trình tôn giáo kết hợp kiến trúc bản địa, dẫn dắt giáo dân địa phương trong những trải nghiệm kiến trúc thân thuộc.
Khi mới đặt chân đến Đông Dương, người Pháp đã phong cách Tân cổ điển đang thịnh hành tại châu Âu thời bấy giờ áp đặt vào xây dựng tại Việt Nam. Một vài đặc điểm của phong cách này bao gồm công trình có quy mô đồ sộ hoành tráng; không gian và các hình thức trang trí được bố cục cân bằng – đối xứng, ưu tiên sự đơn giản; hiên nhà, sảnh đón đặc trưng với dãy cột cao và trải dài, mái vòm hoặc hình tháp.
Tuy nhiên, nhận ra những điểm bất phù hợp của lối kiến trúc này với điều kiện khí hậu và phong tục tập quán của Việt Nam; Ernest cùng các cộng sự đã sáng tạo, thay đổi lại để tạo ra một phong cách kiến trúc mới. Kết quả là chúng ta có Indochine Architecture, không chỉ khắc phục được những điểm chưa phù hợp của kiến trúc Pháp mà còn chứa đựng tinh hoa của Đông phương bí ẩn và quyến rũ.
Đặc trưng kiến trúc Đông Dương
Không gian các công trình kiến trúc thời kì này thường có thiết kế đăng đối trên một trục, lấy tiền sảnh làm trung tâm. Đây là một điểm khác biệt tương đối lớn so với không gian nhà Việt cổ với kiến trúc 3 gian, 2 chái. Nếu ở Việt Nam trước đó gần như không tồn tại khái niệm “hành lang” thì đến kiến trúc Đông Dương, hành lang trở thành một phần quan trọng, tạo chiều sâu cho ngôi nhà giúp đón nắng, gió, là hệ thống dẫn khí xuyên suốt tòa nhà. Các không gian chức năng được thiết kế quay đầu vào hành lang để đón nhận ánh sáng, không khí, làm cho căn phòng luôn tràn ngập năng lượng. Với điều kiện khí hậu có phần đặc biệt như ở Việt Nam, nắng nóng mưa nhiều, thì việc thiết kế hành lang là vô cùng cần thiết, công việc này đòi hỏi sự quan sát kĩ lưỡng của các kiến trúc sư, từ đó tạo ra những không gian ấm áp về mùa đông, thoáng mát về mùa hè.
Với điều kiện thời tiết khí hậu nóng ẩm, nắng gắt vào mùa hè, lạnh buốt vào mùa đông, việc xây tường và lợp mái cũng là hai yếu tố được nhấn mạnh trong phong cách kiến trúc Đông Dương. Kết cấu tường của kiến trúc Đông Dương khá dày, khoảng 40cm, được xây 2 lớp, có tác dụng như một tấm lưới điều hòa không khí. Người Việt trước vốn quen thuộc với mái lá, mái tranh. Nhưng khi kiến trúc Indochine xuất hiện, mái nhà được thiết kế lại với độ dốc khoảng 60% đảm bảo cho việc thoát nước nhanh vào mùa mưa. Đỉnh có mái che, các góc mái hơi nhô cao. Phần mái thường là mái đao, mái âm dương; thường được lợp bằng các loại ngói như ngói vảy rồng, ngói ống, ngói lưu ly hay các mô típ kiến trúc Phật giáo, tạo cho ngôi nhà sự sang trọng nhưng vẫn giữ được nét bản địa cổ kính.
Trong phần 2, VDAS sẽ tiếp tục giới thiệu những đặc trưng trong phong cách này, cũng các công trình kiến trúc Đông Dương tiêu biểu còn tồn tại tới ngày nay. Cùng đón đọc nhé!